Giáo dục con cái ngoan hiền và thông minh luôn là mơ ước của những bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, để giáo dục con cái theo những mong muốn đó thì không phải bố mẹ nào cũng hiểu và có phương pháp giáo dục đúng đắn và hiệu quả.
Người xưa có câu: thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Câu nói này nếu chỉ nghe thoáng qua thì thấy vô lí, đã yêu sao lại cho roi vọt, đã ghét sao lại phải nói ngọt bùi làm gì. Ngẫm nghĩ kĩ thì thấy có lý. Có lí ở đây là vì người xưa muốn con cháu khôn ngoan nên người thì cần phải có roi, có vọt để dạy dỗ con em mỗi khi con em mắc khuyết điểm, sai lầm nào đó. Do vậy, sẽ rất dễ tìm thấy ở những gia đình truyền thông những chiếc roi bằng mây, bằng tre. Cách giáo dục này đã mang lại hiệu quả nhất định, và như vậy câu nói trên nghiễm nhiên trở thành một sự mặc định trong tâm thức của các bậc làm cha, làm mẹ.
Tuy nhiên, việc giáo dục con em ngày nay đang trở nên khó khăn vô cùng đối với rất nhiều gia đình. Nhiều gia đình cứ vin vào câu nói đó mà giáo dục nghe chừng không còn hiệu quả và có khi lại có tác dụng ngược trở lại. Có rất nhiều cha mẹ phàn nàn rằng con em mình hư quá, chẳng chịu nghe lời, thậm chí có em còn cãi lại với cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ cứ đổ lỗi cho môi trường, cho rằng con em mình tiếp xúc với những đứa bạn hư nên mới ra nông nỗi vậy. Nhưng họ không hề có cái nhìn hay tự vấn bản thân mình xem mình đã thật sự trở thành cha mẹ ngoan chưa, mà sao cứ yêu cầu con em họ ngoan. Nghe có vẻ phi lí nhưng đúng là như vậy thật. Ai cũng biết, gia đình thời hiện đại khác xa với kiểu gia đình thời xưa. Ít ra gia đình thời xưa còn có vẻ yên bình hơn. Gia đình thời hiện đại có quá nhiều thứ xôn xao, dao động. Mỗi một thành viên trong gia đình đều có những thế giới của riêng mình. Nhiều gia đình, cha mẹ vì mải lo miếng cơm manh áo nên không có nhiều thời gian tâm sự, hỏi han con cái, mà không biêt rằng nên bỏ ra mỗi ngày ít nhất 15 đến 30 phút để tiếp xúc với con cái, để nói chuyện, tìm hiểu chúng, trao đổi tư tưởng, cảm nghĩ và tâm tình của con. Giờ rất thuận tiện là các bữa ăn. Phải lắng nghe con nói, khuyến khích con bày tỏ những điều con nghĩ trong đầu, chứ không phải bắt con chỉ nghe mình thôi. Đồng thời phải biết phản ứng kịp thời và thích hợp với những gì con biểu lộ: vui buồn, ngạc nhiên, sửa sai, bất đồng, tán thành, khuyến khích… Phải luôn luôn nắm được tư tưởng và ý muốn của con cái. Con cái ta rất cần được yêu thương, khuyến khích, hỗ trợ để chúng có thể phát triển. Do đó, ta phải làm sao để chúng cảm nhận được tình thương của ta. Cần phải biểu lộ tình cảm của ta ra bên ngoài, qua ánh mắt, qua những cử chỉ âu yếm, những lời nói ngọt ngào, những hy sinh cụ thể và thường xuyên của ta. Càng nhỏ, chúng càng nhạy cảm với tình thương của ta. Chúng cần tình thương để lớn lên và phát triển cũng như cần thức ăn, nước uống. Đừng giấu tình cảm trong lòng mà phải biểu lộ ra ngoài. Đừng chỉ yêu thương bằng khối óc (dù rất cần thiết), mà còn phải yêu thương bằng con tim nữa.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên biết cách chấp nhận con cái. Điều này không có nghĩa là không bắt chúng nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn, mà là chấp nhận mức độ chúng đạt được sau khi ta đã nổ lực tạo đủ mọi điều kiện để chúng tốt đẹp hơn và chính chúng cũng đã cố gắng. Đừng ép con cái mình phải giống hay bắt chước một trẻ em khác. Trên đời này không thể có hai đứa trẻ giống nhau. Để chấp nhận trẻ, ta phải biết đặt mình vào địa vị của trẻ và nhìn theo quan điểm của chúng. Đừng bắt chúng nhìn theo quan điểm của ta. Con cái ta có quyền và rất cần được đối xử như những con người. Đừng đối xử với chúng như những nô lệ hay đầy tớ trong nhà. Hãy tôn trọng tự do của chúng, đừng cấm đoán chúng những gì mà ta xét thấy vô hại. Cũng nên tôn trọng giờ làm việc, giờ ngủ và thì giờ của chúng một cách vừa phải. Nếu cần phải sửa phạt thì thì nên sửa phạt đúng mức, hợp lý, đừng phê phán chúng quá đáng hoặc chửi rủa những câu thậm tệ, xúc phạm tới phẩm giá hoặc làm tổn thương tự ái của chúng quá mức cần thiết. Đừng bêu xấu con trước mặt người khác hoặc những trẻ em khác. Có tôn trọng chúng thì chúng mới biết tự trọng và tự tin.
Đồng thời, cha mẹ cũng cần phải tập cho con cái tinh thần trách nhiệm ngay từ hồi chúng còn nhỏ bằng cách trao cho chúng những trách nhiệm từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn trong gia đình. Phải tập cho con cái dần dần quán xuyến được mọi việc. Và khi chúng đã lớn, khoảng 20 đến 25 tuổi, phải tập cho chúng làm những công việc mang tầm vóc xã hội: làm ăn, giao thiệp, nhận trách nhiệm nghề nghiệp, điều hành công việc. Phải tập cho chúng làm được hầu hết những công việc của mình, thậm chí có thể thay thế địa vị mình.
Giáo dục con cái luôn là việc khó nhưng không phải là không có cách. Với quan điểm “Roi vọt không dạy trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”. Từ bao đời công ơn cha mẹ luôn được ví như trời cao biển rộng. Làm cha mẹ là chuyện không hề dễ dàng. Đó là một hành trình xen lẫn niềm vui và sự vất vả. Sinh con, nuôi dưỡng con trưởng thành là cả chặng đường dài đầy khó khăn và thách thức nhưng cũng mang lại niềm vui và nhiều sự trải nghiệm thú vị.