-
Đặc điểm sinh lý
Ngay từ thời mẫu giáo, trẻ đã biết phân biệt bạn trai và bạn gái. Thậm chí trẻ còn biết trêu đùa, ghép đôi bạn trai này với một bạn gái khác. Nhưng đó chỉ là sự phân biệt mang tính bản năng cũng như sự bắt chước người lớn. Khi chơi đùa hoặc thậm chí nằm ngủ với nhau, các bé hoàn toàn không có suy nghĩ hay cảm nhận gì cả. Lúc này, tâm sinh lý của bé trai và bé gái là như nhau, không có sự khác biệt.
Từ 6-10 tuổi, trẻ đã có sự phân biệt rõ hơn về giới. Bé gái khi chơi cùng bạn trai sẽ nảy sinh cảm giác xấu hổ, bất an. Tuy nhiên, những cảm xúc bị thu hút hay hấp dẫn của hai phái vẫn chưa hình thành.
Sau 10 tuổi trẻ đã có nhận thức mơ hồ về giới tính cũng như sự hấp dẫn giới tính, bắt đầu thấy tò mò và thích thú đối với sự khác biệt và mối quan hệ giữa hai giới.
Từ 14 – 15 tuổi trở đi, sự gia tăng nhanh chóng của các hooc-môn sinh dục cùng với nhận thức rõ hơn về giới tính đã thôi thúc trẻ nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Ở lứ tuổi này, đặc điểm sinh học của hai giới đã có sự khác biệt rõ nét. Trẻ trai đã có đủ đường nét của người đàn ông trưởng thành, có râu, lông chân, lông nách, thân hình cao lớn, vai rộng và cơ bắp. Trẻ gái đã mềm mại hơn, ngực và mông to lên tạo thành những đường cong quyến rũ.
Lúc này, trẻ đã bắt đầu hình thành khái niệm “thích”, “yêu”, “kết”, “cặp đôi”. Đặc biệt, cảm xúc của trẻ lúc này cực kỳ nhạy. Chỉ cần một bạn trai học giỏi, một bạn gái có mái tóc dài, một anh chàng đi xe đẹp… là trẻ đã có thể rung động và dễ dàng đánh đồng những rung động đầu đời của mình thành tình yêu. Tuy nhiên, vì cảm xúc và nhận thức chưa chín chắn, chưa ổn định nên tình cảm rất dễ thay đổi, hôm nay thích anh chàng đi xe đẹp nhưng lập tức ngày mai đã quay sang thích anh khác có tài cầm ca.
-
Rối loạn tâm lý
Tuổi dậy thì là lứa tuổi có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Vì thế, trẻ thường dễ bị tác động bởi chuyện học hành, bài vở, nhất là khi bước vào mùa thi. Không những thế, một số trẻ còn thường xuyên phải thức khuya hay phải nhờ đến sự trợ giúp của café để tỉnh táo hơn. Điều này càng khiến cho sức khỏe của trẻ bị suy giảm, tinh thần mệt mỏi, lo âu, rối loạn tâm lý…
Bên cạnh đó, việc ăn uống và sinh hoạt thất thường ở lứa tuổi này cũng dễ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Các biểu hiện dễ thấy nhất của căn bệnh rối loạn tâm lý là biếng ăn, mất ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, lo âu, học tập giảm sút… Nặng hơn, một số trường hợp còn có cả các biểu hiện như nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, dễ hoảng sợ, ngại tiếp xúc với người khác…, thậm chí còn có ý định tự tử.
-
Rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc là một căn bệnh tâm lý xảy ra khi có tình trạng rối loạn tại não bộ, gây nên những bất ổn về tinh thần như chuyển từ cảm xúc hưng phấn sang cảm xúc ức chế một cách nhanh chóng hoặc ngược lại. Nguyên nhân của căn bệnh này thường là do những biến đổi ở tuổi dậy thì sẽ khiến trẻ nhạy cảm hơn, dễ bị tác động bởi các áp lực trong học tập, làm việc…
Vì thế, khi cha mẹ thấy trẻ có các biểu hiện của rối loạn cảm xúc như chán ăn, mất ngủ, gầy sút, hoạt động chậm chạp, mất tập trung, hay quên… thì cần tham khảo ý kiến các chuyên gia tâm lý để điều chỉnh kịp thời và tránh tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
-
Rối loạn hành vi
Ở tuổi dậy thì, những định hình về xã hội xung quanh chưa thể toàn diện như người trưởng thành. Trẻ có thể bị tác động chỉ từ sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy và cả từ bạn bè xấu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi và gây nên những hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, trộm cắp, đua xe mạo hiểm…
Khi mắc phải căn bệnh này, trẻ thường có hành vi xâm phạm sớm và rất khó thích ứng với xã hội. Một số trường hợp có thể thích ứng với các hoạt động xã hội nhưng vẫn có hành vi chống đối, phạm pháp. Việc điều trị căn bệnh này cũng rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp khắt khe từ bản thân người bệnh và những người xung quanh.
-
-
Nhu cầu tình dục
Ở độ tuổi này, trẻ đã có nhu cầu tình dục. Đặc biệt, trẻ luôn thích khám phá tò mò về cơ quan sinh dục và các hành vi liên quan đến tính dục. Với bản tính tò mò, ham khám phá cùng với sự nhầm tưởng tình yêu và chưa ý thức được hậu quả, dễ khiến các em hành động theo bản năng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Đối với trẻ trai, tác động của hoóc môn tới các bộ phận sinh dục và tâm lý rất mạnh. Khi ấy, các em cảm thấy trong người bí bách, thiếu bình tĩnh, bối rối và hay thẹn thùng. Khoảng 13-14 tuổi, cơ thể các em nam đã sản xuất tinh trùng. Nếu không thủ dâm thì cơ thể sẽ tự thủ tiêu lượng tinh trùng đó trong giấc ngủ đêm.
Cha mẹ cần nói trước cho trẻ biết hiện tượng xuất tinh ban đêm và hiện tượng thủ dâm. Đó là hiện tượng rất bình thường và không có gì xấu, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thủ dâm chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe và tình yêu khi trẻ thực hiện quá thường xuyên và thường xuyên bị ám ảnh bởi nó. Vì vậy, trẻ cần tăng cường các hoạt động giao lưu bạn bè, lao động giúp cha mẹ và các hoạt động thể dục thể thao nhằm cân bằng sức khỏe và tâm sinh lý.
Sinh lý và giới tính của trẻ giai đoạn này là chính đáng và phù hợp với lứa tuổi. Phụ huynh chớ nên e ngại mà tránh nói chuyện với con về những chủ đề tế nhị này. Ngược lại, cần phải chủ động nói chuyện và hướng dẫn trẻ về tình yêu, giới tính cũng như giữ gìn mối quan hệ trong sáng.
Nếu không được quan tâm, với bản tính tò mò, trẻ sẽ tự tìm hiểu trên mạng và bạn bè. Lúc này sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ sa vào những trang web có nội dung xấu, đồi trụy, hay gặp bạn bè xấu dễ dẫn đến những nhận thức lệch lạc về tình yêu và tình dục.
-
-
Trầm cảm
Trầm cảm là căn bệnh rối loạn tâm thần thường gặp với nhiều triệu chứng như hay buồn bã, không quan tâm tới mọi thứ xảy ra xung quanh và cả với bản thân, dễ mệt mỏi, mất hi vọng vào tương lai… Căn bệnh này thường rất dễ mắc phải ở lứa tuổi dậy thì do độ tuổi nhạy cảm này dễ chịu áp lực từ xung quanh, từ học hành, bố mẹ, thầy cô, bạn bè hay cả từ các chất kích thích…
Khi bị trầm cảm, trẻ thường tự cô lập mình với thế giới bên ngoài. Thậm chí, rất nhiều trẻ chỉ quan tâm tới thế giới “ảo” và sống trong thế giới này. Điều này khiến cho cuộc sống của trẻ trở nên nhàm chán, u ám, thiếu niềm tin…
-
-
Phòng chống các biến đổi tâm lý ở tuổi dậy thì
- Khi có biểu hiện của các bệnh tâm lý như trên, cha mẹ nên tâm sự tìm cách giúp đơn con.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với các loại phim ảnh, các trò chơi bạo lực hay văn hóa phẩm đồi trụy…
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể trẻ bằng các thực phẩm lành mạnh, chăm chỉ tập thể dục để tăng cường sức khỏe…
- Nếu bệnh không giảm hoặc có các dấu hiệu nặng hơn, cha mẹ hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ tâm lý ngay để có hướng điều trị kịp.
-