1. Phát triển tính cách trong tâm lý trẻ 8 tuổi
Đây là giai đoạn ba mẹ phải thật cẩn trọng giáo dục tính cách cho trẻ. Trẻ tưởng rằng mình đã biết nhiều điều và ứng xử như người biết-tất-cả-mọi-thứ. Trẻ thích tranh luận và chỉ trích người khác. Trẻ có xu hướng cáu giận và thô lỗ với mẹ, anh chị em và bạn bè.
Trong giai đoạn tâm lý trẻ 8 tuổi, trẻ phát triển nhận thức chủ quan về bản thân. Trẻ bắt đầu cảm nhận rằng, có sự cách biệt giữa cảm xúc bên trong và biểu hiện bên ngoài. Đây là một bước tiến dài trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách trẻ. Do đó, các mẹ có thể nhận thấy con yêu của mình không phải lúc nào cũng điều khiển được tốt, những cảm nhận về bản thân và mọi người. Trẻ thường cảm thấy thiếu thốn và không hạnh phúc. Trẻ sẽ đổ lỗi cho người khác nếu có gì tồi tệ xảy ra. Nếu bị chỉ trích, trẻ thường khóc hoặc tỏ thái độ bất cần. Trẻ khó có thể chấp nhận mình sai và thường chối lỗi hay nói dối để lảng tránh.
Trong quá trình phát triển tâm lý trẻ 8 tuổi, lòng dũng cảm của trẻ được hình thành vững chắc và trẻ luôn quan tâm đến hai mặt đúng và sai. Vậy nên, các mẹ phải sâu sát quan tâm, theo dõi để hướng dẫn con trẻ những gì là đúng và những gì là sai. Điều này vô cùng quan trọng vì giúp trẻ có niềm tin vững chắc vào những việc làm đúng đắn của bản thân, giúp trẻ hình thành được cá tính tốt đẹp cho riêng mình.
2. Tính kỷ luật trong sự phát triển của trẻ 8 tuổi
Trẻ 8 tuổi bắt đầu cảm nhận được động lực về các việc làm của người khác. Trẻ còn biết đưa ra đánh giá về bản thân khi so sánh với người khác. Sự cảm nhận này chính là bắt đầu của phát triển các giá trị đạo đức trong tâm lý trẻ 8 tuổi. Lúc này, trẻ đã có thể hiểu làm thế nào và tại sao hành động của mình lại ảnh hưởng tới người khác. Trẻ luôn muốn biết cái gì đúng và cái gì sai, và cũng dễ thông cảm với người khác.
Thời kỳ phát triển 8 năm đầu đời của trẻ là giai đoạn mà ba mẹ thực thi các chính sách kỷ luật hợp lý , nghiêm khắc, thống nhất trước sau như một, chỉ rõ cho trẻ thấy mình mong đợi gì ở con và những hậu quả đi kèm nếu con không làm theo. Cần giải thích rõ tại sao có những hành vi trẻ được thưởng/ khen ngợi, nhưng cũng có những hành vi lại bị phạt.
Kỷ luật trong giai đoạn phát triển tâm lý trẻ 8 tuổi là hướng tới dạy dỗ, không phải để kiểm soát. Vì thế kỷ luật thường gắn với việc thảo luận về điểm đúng và điểm chưa đạt trong các việc làm của trẻ. Nhưng ba mẹ cũng cần phải cho trẻ thời gian để nghiền ngẫm hành vi của mình và thay đổi sau đó. Sau mỗi lần kỷ luật, trẻ chưa thể xoay 180 độ hành vi của mình được.
3. Hoạt động và sở thích của trẻ 8 tuổi
Trong giai đoạn này, tính cách cá nhân hướng nội và hướng ngoại sẽ ảnh hưởng tới sở thích về hoạt động nhóm của trẻ. Một trẻ hướng nội có thể hài lòng với một vài hoạt động nhóm hạn chế sao cho cân bằng với thời gian chơi độc lập. Trẻ có thể thích đọc hoặc thích chơi một mình. Ngược lại, trẻ hướng ngoại sẽ không thích ngồi một mình lâu và hứng thú với các hoạt động nhóm như thể thao hoặc trò chơi. Ba mẹ hãy cố gắng điều chỉnh thời gian biểu của trẻ cho phù hợp tính cách và sở thích, ngay cả khi sở thích đó khác với sở thích của ba mẹ.
Theo tâm lý trẻ 8 tuổi, việc học các kỹ năng được trẻ tập trung phần lớn thời gian biểu của mình. Trẻ rất tò mò và cảm thấy thú vị về các hiện tượng tự nhiên, khoa học, kỹ. Những môn thể thao ngoài trời cũng được trẻ quan tâm như bơi lội, bóng đá, cầu lông, đạp xe,... Tất cả những hoạt động đó giúp trẻ khám phá được khả năng mới của chính mình.
4. Phát triển tình cảm của trẻ trong 8 năm đầu đời
Trẻ 8 tuổi rất hay thông cảm và bao dung với mọi người xung quanh. Trẻ chơi thân với các bạn trong lớp và hàng xóm. Trẻ luôn thích giúp đỡ các bạn của mình. Trẻ cũng dễ cãi cọ và đánh nhau vì ai cũng có quan điểm, muốn mình là người đúng, nhưng không giận hay ghét nhau được lâu. Trong quá trình phát triển tâm lý trẻ 8 tuổi, trẻ cũng bắt đầu hiểu rằng bạn bè mình cũng có gia đình và dần dần tôn trọng việc bạn có cuộc sống riêng. Trẻ có thể qua đêm ở nhà bạn, hoặc có thể đi cùng gia đình bạn xem phim hoặc tham dự một sự kiện nào đó. Nhưng, trẻ sẽ cảm thấy xa cách và luôn hạnh phúc khi được quay về gia đình riêng của mình.
Tâm lý trẻ 8 tuổi phát triển nhanh về tính cách, tình cảm cũng như các kỹ năng sống mới mẻ ở trẻ. Ba mẹ vẫn luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, trong việc giúp trẻ định hình và phát triển nhân cách hoàn thiện trong tương lai. Do đó, hãy chuẩn bị cho mình bộ cẩm nang kỷ luật tích cực, để rèn cho con những thói quen tốt đẹp nhé!
Nguồn: yeutre.vn