Trẻ 10 tuổi vẫn cần sự hỗ trợ và bảo vệ của cha mẹ, tôn trọng ý kiến của cha mẹ, mặc dù ở một số trẻ bắt đầu thể hiện sự khó chịu với những áp đặt của người lớn.
Phát triển thể chất và vận động
Ở độ tuổi 10, hầu hết trẻ kiểm soát tốt cả vận động thô và vận động tinh, quan tâm đến hoạt động đòi hỏi sự phối hợp giữa kỹ năng và sức mạnh, sự bền bỉ, khéo léo, tinh mắt và sự cân bằng.
Từ 10 – 12 tuổi, mỗi năm con sẽ rụng khoảng 4 chiếc răng, răng mới thay thế là răng vĩnh viễn của con và không còn mọc mới nữa. Chăm sóc răng miệng trong giai đoạn này tối quan trọng vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ răng miệng cả đời.
Trẻ vị thành niên bắt đầu phát triển thành phần cơ thể người lớn. Trẻ gái phát triển sớm hơn trẻ trai, và phát triển những dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì như núm vú nhú ra. Sự khởi phát tuổi dậy thì xảy ra trong khoảng từ 8 đến 14 tuổi, kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện sau đấy khoảng hai năm. Một vài bé gái bắt đầu kinh nguyệt sớm nhất từ 9 – 10 tuổi.
Trẻ 10 tuổi có thể tự mình băng qua đường và tự đi đến điểm gần nhà mà không cần người lớn đi kèm. Trẻ kiểm soát tốt việc vận động bằng tay, viết chữ nhanh hơn và dễ đọc hơn, nét chữ đẹp và mang dấu ấn riêng. Các bức tranh vẽ của trẻ lên 10 chăm chút chi tiết và đẹp hơn. Các hoạt động vẽ tranh, may vá, chơi nhạc cụ rất được trẻ yêu thích.
Kỹ năng nhận thức và ngôn ngữ
Trẻ 10 tuổi hầu hết đều có khả năng ngôn ngữ như người trưởng thành, có thể trò chuyện cả ngày với bạn bè đồng lứa, với cô giáo và người khác. Trẻ thích thú sử dụng khả năng đọc viết của mình để viết thư, nói chuyện qua điện thoại.
Sách báo dành cho tuổi thiếu nhi, các chủ đề phi tiểu thuyết được trẻ 10 tuổi yêu thích.Trẻ có thể sáng tác truyện bằng cách viết tay với nội dung đơn giản. Trong toán học, trẻ có khả năng cộng và trừ và bắt đầu xử lý phân số, tính nhân và chia.
Con của bạn bây giờ có thể lý luận, sử dụng logic, suy nghĩ về nguyên nhân và kết quả và lấy thông tin thu được trong một bối cảnh để sử dụng trong một ngữ cảnh khác. Tầm hiểu biết của trẻ vượt khỏi những đánh giá đơn giản như đúng-sai, đen-trắng. Trẻ nhận biết rằng nhiều hành động và sự kiện xảy ra trên thế giới cần diễn giải theo nhiều góc độ. Ví dụ việc một chú chó cướp miếng xúc xích là sai, nhưng đó là vì chú cần mang về nuôi lũ chó con của mình, đó lại là việc đúng.
Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội
Mối quan hệ của trẻ và bạn cùng giới tính ngày càng bền chặt và trở thành bạn thân nhất của nhau. Trẻ bắt đầu quan tâm tới bạn khác giới, dù chỉ mới biểu hiện bằng những hành vi làm bạn khác giới chú ý đến mình bằng cách vuốt tóc, khẽ chớp mắt (nữ), hoặc thể hiện sự mạnh mẽ, bảnh trai (nam). Ít trẻ thừa nhận điều này.
Nhận thức về cá nhân của trẻ dựa trên sự đánh giá của nhóm bạn đồng lứa, và một phần là do cảm giác về bản thân. Con có thể cảm nhận mình có đôi mắt đẹp, tóc dài, thành tích học tập cao, ăn nói dịu dàng nhỏ nhẹ nhờ khả năng kiểm soát cảm xúc…
Trẻ 10 tuổi là sự tiếp nối phát triển và ghi nhận ý kiến xung quanh của năm 9 tuổi, hình thành giá trị của mình theo đánh giá, chuẩn mực của cộng đồng (nhóm bạn, lớp học, mọi người xung quanh..). Giá trị này có giá trị định hướng sự hình thành hành vi, thái độ của trẻ hiện tại và tương lai.
Trẻ khác bắt đầu muốn vượt qua giới hạn, phớt lờ ý kiến của người lớn, làm việc dạy dỗ chúng khó khăn hơn. Điều quan trọng là phụ huynh phải tiếp tục thể hiện sức ảnh hưởng của mình lên con, cương quyết và rõ ràng trong việc dạy dỗ con, cho con cảm nhận cha mẹ tôn trọng con không có nghĩa con được quyền vượt qua những ranh giới về cách ứng xử, đạo đức…
Cha mẹ cần làm gì để trẻ 10 tuổi phát triển hoàn thiện hơn
Bạn có thể giúp đỡ thúc đẩy trẻ học hành siêng năng và tận tâm, xây dựng thói quen học tập và tiếp thu kiến thức chủ động, khuyến khích trẻ đọc nhiều và đa dạng các chủ đề. Ở tuổi này, cha mẹ khó có thể áp đặt mong muốn của mình lên con, khi trẻ bắt đầu mầm mống “nổi loạn”. Tập cho con sự phản biện thông qua cách thảo luận, thương lượng để đạt mục đích, thay vì bằng cách gian giảo hoặc thiếu tôn trọng người khác.
Đây cũng là thời điểm tốt cha mẹ cho con hiểu về quyền riêng tư của trẻ, bảo vệ trẻ khỏi sự xâm hại. Cha mẹ đưa ra thông điệp rõ ràng rằng không một người lớn nào có quyền nói chuyện hoặc chạm vào trẻ em khi trẻ cảm thấy không thoải mái, hoặc yêu cầu con giữ bí mật từ cha mẹ.
Thái độ và hành vi của trẻ 10 tuổi lúc này dần sẽ trở thành khuôn mẫu và con tiếp tục hành vi này vào những năm thiếu niên, đến lúc trưởng thành. Cha mẹ trong giai đoạn này phải làm gương tích cực cho con noi theo, ăn uống lành mạnh, trung thực, quan tâm và tôn trọng người khác.
2.1. Dạy trẻ biết quan tâm đến người xung quanh
Trẻ lên 10 chính là thời điểm cha mẹ nên dạy con biết yêu thương , hiểu về lòng nhân hậu, sự quan tâm, cách thể hiện sự quan tâm của bản thân mình tới người khác. Khi dạy trẻ 10 tuổi, cha mẹ đừng chỉ dạy con lý thuyết suông mà hãy tạo điều kiện cho con thực hành cụ thể như: tham gia hoạt động từ thiện, biết chia sẻ với người hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Để trẻ hiểu rõ về người khác mẹ hãy khuyến khích trẻ đặt bản thân mình vào vị trí của người đó để cảm nhận.
2.2. Rèn luyện cho trẻ tính kiên nhẫn
Trẻ 10 tuổi là lứa tuổi chuẩn bị dậy thì nên thường rất ghét việc bị nhắc nhở nhiều và những điều có tính chất nặng nề lý thuyết. Để dạy trẻ 10 tuổi, tốt nhất cha mẹ cùng trải nghiệm với trẻ để trẻ hiểu nhanh và hiểu sâu bản chất vấn đề. Kiên nhẫn là đức tính cần thiết dạy trẻ 10 tuổi, đó là nền tảng để khi lớn hơn trẻ có sự kiên trì theo đuổi mục tiêu, sự thành công ngay cả những lúc vấp phải khó khăn.
2.3. Rèn cho trẻ 10 tuổi tính tự lập
Mẹ hãy nhớ rằng trẻ đã lên 10, không còn quá bé bỏng như ngày nào để bạn ôm ấp, bao bọc. Con 10 tuổi có nghĩa là con bắt đầu phải tự lập trong nhiều việc, đặc biệt là các công việc cá nhân cũng như giúp đỡ cha mẹ công việc nhà. Việc đầu tiên, rèn cho trẻ tính tự lập chính là để trẻ tự làm các công việc cá nhân chúng như: lên lịch học tập, các công việc cá nhân, giặt quần áo, dọn dẹp phòng mình. Nhiều trẻ có thể sẽ phản ứng gay gắt, không chịu làm, nhưng khi vào guồng rồi, chúng sẽ không còn những biểu hiện đó nữa. Đặc biệt, bố mẹ cần chú ý cho trẻ mốc thời gian để chúng hoàn thành công việc. Điều này giúp con rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian.
2.4. Dạy con xác định mục tiêu khi hành động
Đừng để trẻ khi trưởng thành sống không có mục đích, không có sự phấn đấu. Để đạt được điều này, việc cha mẹ cần làm đầu tiên đó là tập cho con cách xác định mục tiêu. Khi biết các xác định mục tiêu thì trẻ sẽ có sự phấn đấu, vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
2.5. Dạy con về tình dục và sức khỏe sinh sản
Dạy con về tình dục là một cuộc nói chuyện rất khó khăn, nhưng cha mẹ cần phải nói cho trẻ biết. Trẻ không cần biết tất cả mọi chi tiết, nhưng một cuộc nói chuyện nhỏ có thể giúp trẻ hiểu biết hơn về những chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Đồng thời, việc này còn ngăn chặn được những cuộc nói chuyện thô lỗ, về những chủ đề mà trẻ có thể nghe thấy từ những đứa trẻ khác.
2.6. Dạy trẻ 10 tuổi tự giặt ủi quần áo của mình
Khi trẻ 7 tuổi, bạn nên dạy trẻ cách giặt đồ, từ việc bỏ đồ vào máy, đo lường để chọn chế độ, thêm chất tẩy rửa và khởi động máy. Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể để trẻ quan sát các bước là ủi quần áo để trẻ có thể tập làm quen.
2.7. Dạy trẻ tác hại của ma túy
Hiện nay, tình trạng trẻ em cấp một nghiện ma túy không phải không có. Mẹ hãy dạy trẻ 10 tuổi biết rằng nếu dính vào ma túy là không con đường thoát, và con không bao giờ được phép thử ma túy dù chỉ một lần. Mẹ nên cho trẻ xem những phim tài liệu về việc sử dụng ma túy, ma túy ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống như thế nào, dùng ma túy nguy hiểm ra sao để con hiểu rõ và tự bảo vệ mình.
Tiền dậy thì là lứa tuổi nhạy cảm có nhiều thay đổi mạnh mẽ về tâm và sinh lý. Khi dạy trẻ 10 tuổi , cha mẹ hãy đồng hành cùng con vượt qua được những "khủng hoảng lứa tuổi" để trẻ phát triển tốt nhất. Đồng thời, dạy bé các kỹ năng cần thiết để vừa phát triển cuộc sống tự lập trong tương lai, vừa biết tự bảo vệ mình an toàn.
Nguồn: yeutre.vn, marrybaby.vn