Hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” và đề nghị UNESCO đưa “Áo dài Việt Nam” vào mục “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”, Công đoàn Giáo dục Quận đã triển khai các văn bản hưởng ứng và duy trì nề nếp mặc trang phục áo dài trong giờ làm việc vào mỗi thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần đến các cơ sở giáo dục trực thuộc.
Từ đầu năm học 2020 – 2021, Công đoàn Giáo dục Quận đã chỉ đạo Ban Chấp hành các công đoàn cơ sở trực thuộc giám sát, kiểm tra nề nếp, tác phong làm việc, phong cách trang phục nơi công sở, trường học, nhằm thể hiện tinh thần hòa đồng, môi trường làm việc tốt. Kết quả, 100% các cơ quan, cơ sở giáo dục trực thuộc chấp hành nghiêm túc việc duy trì nề nếp mặc trang phục áo dài vào thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần.
Tại các trường học, các nữ giáo viên không những duy trì mặc trang phục áo dài vào thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần, mà duy trì suốt tuần trong giờ lên lớp, bởi cách ăn mặc là một trong những nội dung thuộc quy tắc ứng xử của cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành Giáo dục. Trong Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục ở Điều 4 quy định về quy tắc ứng xử chung có mục 4. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục, tính chất công việc. Người xưa có câu “Y phục xứng kỳ đức” nghĩa là “Ăn mặc tương xứng với địa vị xã hội, đức độ của người mặc”.
Trang phục áo dài luôn là nét đẹp của nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động ngành Giáo dục và Đào tạo, mà còn thể hiện hình ảnh nữ cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục thanh lịch, nhã nhặn trong tà áo dài, cùng phong cách làm việc chuyên nghiệp, lên lớp trang nghiêm, chuẩn mực đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân và học sinh, sinh viên.
“Áo dài Việt Nam” là một phần không thể thiếu của “Di sản văn hóa”, đồng thời tôn vinh giá trị văn hóa của “Áo dài Việt Nam” và vẻ đẹp của Người phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo dài; khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy “Di sản Việt Nam” trong mỗi phụ nữ và nhân dân Việt Nam.