1. Giai cấp công nhân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Ngày 1/9/1858 thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam, đánh dấu bằng sự kiện đổ quân lên bán đảo Sơn Trà thuộc Đà Nẵng. Mục đích xâm lược của thực dân Pháp là chiếm Việt Nam làm căn cứ quân sự của Pháp tại vùng Đông Nam Á đồng thời làm thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài nguyên và bóc lột nhân công rẻ mạt.
Năm 1888, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cho địa chủ, thực dân được quyền lập các đồn điền ở những vùng mà chúng gọi là “đất vô chủ”. Năm 1897, triều đình Huế ký điều ước nhượng cho thực dân Pháp quyền khai khẩn đất hoang. Cái gọi là “đất hoang”, “đất vô chủ” thực ra là những vùng đất màu mỡ của nông dân mà chúng đuổi đi bằng nhiều cách để chiếm đoạt, thiết lập các đồn điền trồng các loại cây công nghiệp, làm xuất hiện lao động làm thuê trong các đồn điền và hình thành đội ngũ công nhân đồn điền.
Từ năm 1897 – 1914, thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I, hình thành các khu công nghiệp như khu mỏ Quảng Ninh và một số khu sản xuất công nghiệp ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Nam Định, Vinh – Bến Thuỷ đã làm cho GCCN Việt Nam phát triển về số lượng.
Từ năm 1914 – 1918, để phục vụ cho chiến tranh, thực dân Pháp tăng cường bóc lột công nhân như: Tăng thời gian làm việc, chậm trả lương, nâng cao định mức khoán việc… Chính sự áp bức này đã làm cho phong trào đấu tranh của công nhân phát triển mạnh tại các khu mỏ ở Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Đông Triều, Hòn Gai v.v… dưới nhiều hình thức như : bỏ việc, đình công…
Từ năm 1922 – 1925, các cuộc đấu tranh có tính tự phát của công nhân ngày càng giảm bớt, thay vào đó công nhân đã tăng cường dùng lý lẽ, đấu tranh có tổ chức để chống lại chủ và tay sai của chúng.
Các cuộc đấu tranh của công nhân trong năm 1926 và năm 1927 có hai đặc điểm mới: Đấu tranh đòi tăng lương nhất loạt và đấu tranh đòi ngày làm tám giờ. Điều này chứng tỏ phong trào công nhân có bước phát triển mạnh mẽ, từ chỗ đấu tranh buộc chủ phải thực hiện những điều quy định trong giao kèo, tiến lên đấu tranh chống lại các hình thức áp bức, bóc lột của giới chủ; Ý thức giai cấp, tính tổ chức và tình đoàn kết trong đấu tranh của giai cấp công nhân ngày càng tiến bộ.
2. Sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7/1929)
Trước sự bóc lột thậm tệ và đàn áp dã man của tư bản thực dân, công nhân nước ta đã tự tổ chức nhau lại để đấu tranh giành và bảo vệ quyền lợi thiết thân. Hội Ái hữu đầu tiên được công khai thành lập theo Quyết định của Thống sứ Bắc Kỳ vào năm 1906.
Hội Ái hữu những người lao động chân tay Đông Dương ở Pháp thành lập vào tháng 12 năm 1922 chủ yếu là người Bắc Kỳ. Thuỷ thủ Việt Nam cũng lập ra Công hội thuỷ thủ, một tổ chức có khuynh hướng cộng sản.
Năm 1925 có thêm Hội những người lao động trí óc Đông Dương. Đến năm 1927, ở Mác-xây, thuỷ thủ lại lập ra Hội bênh vực lao động An Nam. Vấn đề thống nhất tổ chức và hành động giữa các Hội công nhân đã trở nên cấp thiết. Hội sinh viên cùng đại biểu các tổ chức thuỷ thủ, lao động trí óc họp ở Mác-xây thống nhất thành lập tổ chức chung là Hội liên hiệp lao động Đông Dương.
Do những thuận lợi có tính đặc thù và lịch sử, nhất là khi được tiếp xúc với phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, một số công nhân Việt Nam đã học được những kinh nghiệm đầu tiên về đấu tranh công đoàn, hiểu biết về Đảng Cộng sản, về chủ nghĩa Lênin và Quốc tế thứ ba1.
Những công nhân, thuỷ thủ từng gia nhập các công đoàn ở nước ngoài đã đem kinh nghiệm tổ chức công hội về nước để lập ra các công hội mới. Tiêu biểu nhất là sự ra đời của Công hội Ba Son do Tôn Đức Thắng thành lập. Số lượng công hội lúc này còn ít, nhưng là những công hội đầu tiên chịu ảnh hưởng của tư tưởng công đoàn cách mạng và cũng là những mầm mống quan trọng cho phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam.
Những năm 1928 – 1929, chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá sâu rộng vào Việt Nam đã làm cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ. Nhờ tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm đấu tranh của công nhân thế giới nên giai cấp công nhân Việt Nam đã rút ngắn thời kỳ đấu tranh tự phát để sớm tiến lên trình độ tự giác. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và phong trào yêu nước đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng để đưa phong trào tiếp tục đi lên.
Tháng 3 năm 1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ đã họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 17 tháng 6 năm 1929, đại biểu từ các tổ chức Cộng sản được thành lập ở các tỉnh Bắc Kỳ đã họp tại số nhà 312 Khâm Thiên, Hà Nội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.
Để tập hợp các tổ chức Công hội Đỏ ở cơ sở, Đảng tổ chức ra Tổng công hội Đỏ cấp tỉnh và giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tổ chức Hội nghị đại biểu Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất nhằm thống nhất lập ra Công hội đỏ cho xứ Bắc Kỳ.
Ngày 28 tháng 7 năm 1929, hội nghị đại biểu Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất họp tại trụ sở của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị đã nhất trí thông qua chương trình, điều lệ và phương hướng hoạt động của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Đại hội quyết định xuất bản Báo Lao động làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí “Công hội Đỏ” làm cơ quan lý luận truyền bá quan điềm, chủ trương của Công hội Đỏ trong giai cấp công nhân ăm 1(Năm 1983, Đại hội V Công đoàn Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam).
Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình phát triển của phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam.
3. Hoạt động Công đoàn Việt Nam trong những năm 1930 – 1945
Cuộc khủng khoảng kinh tế các nước tư bản bắt đầu từ năm 1929 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nước Pháp và thuộc địa của Pháp, trong đó có Việt Nam. Hàng vạn công nhân không có việc làm, chính quyền thuộc địa trút mọi hậu quả của khủng hoảng kinh tế lên đầu nhân dân Việt Nam mà trước hết là công nhân và nông dân.
Trong điều kiện đó, bất chấp sự kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp, Công hội Đỏ vẫn tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức công nhân, lao động liên tục đấu tranh chống áp bức bóc lột. Công hội Đỏ lãnh đạo công nhân đoàn kết, cùng nhân dân lao động đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, với trận ra quân đầu tiên của công nhân Nhà máy Xe lửa Trường Thi, Nhà máy Cưa, Nhà máy Diêm Bến Thuỷ (thành phố Vinh – Nghệ An) đúng vào ngày 1 tháng 5 năm 1930.
Từ giữa năm 1931, Xô viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp dùng lực lượng quân sự lớn đàn áp nhưng các cơ sở Công hội Đỏ còn lại vẫn tổ chức các cuộc đấu tranh kinh tế của thợ thuyền.
Giai đoạn 1932 – 1935 là giai đoạn đầy thử thách ác liệt đối với tổ chức Công hội Đỏ, một đoàn thể cách mạng non trẻ của giai cấp công nhân Việt Nam. Vượt lên trên những khó khăn, Công hội Đỏ đã đóng vai trò xuất sắc trong cuộc vận động công nhân đấu tranh, góp phần củng cố lực lượng, từng bước gây dựng lại phong trào. Khi điều kiện khách quan cho phép, tổ chức Công hội kịp thời nắm bắt và lãnh đạo phong trào công nhân, thúc đẩy các cuộc đấu tranh lên một quy mô rộng lớn trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936 – 1939.
Đầu năm 1937, công nhân đấu tranh sôi sục đòi quyền tự do lập nghiệp đoàn. Ở Hà Nội, Sài Gòn, Vinh….mặc dù bọn phản động thuộc địa ngăn cản, nhiều nghiệp đoàn vẫn được thành lập và hoạt động công khai, báo chí được xuất bản và công khai tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin. Chưa giành được quyền tự do nghiệp đoàn đều khắp, thì công nhân thành lập Hội Ái hữu thay thế. Nên tên gọi tổ chức của công nhân lúc này thường mang tên tổ chức song trùng là “Nghiệp đoàn – Ái hữu”. Hoạt động sôi nổi của Hội Ái hữu và nghiệp đoàn (dưới danh nghĩa Ái hữu) làm cho bọn tư bản thực dân hết sức lo sợ.
Giai cấp công nhân dưới sự tổ chức, vận động của Hội Ái hữu thời kỳ 1936 – 1939 đã tận dụng mọi khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp kết hợp với hoạt động bí mật để phát triển tổ chức và đấu tranh. Đây là một thời kỳ vận động cách mạng sôi nổi và thắng lợi chưa từng thấy dưới thời Pháp thống trị, nhằm đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình.
Tháng 9 năm 1939, Mặt trận Bình dân ở Pháp tan vỡ, bọn phản động thuộc địa ở Đông Dương trở tay đàn áp phong trào Dân chủ ở Đông Dương, thủ tiêu các quyền tự do dân chủ, tự do nghiệp đoàn cùng với những luật lệ lao động đã ban bố, tịch thu báo chí có xu hướng cách mạng. Ngày 28/9/1939 chúng ra lệnh giải tán các Hội Ái hữu, Nghiệp đoàn có liên quan đến Đảng Cộng sản Đông Dương và chỉ trong tháng 9/1939 đã có 2.000 cán bộ Nghiệp đoàn, Ái hữu bị bắt giam.
Để phù hợp với tình hình mới, tổ chức Nghiệp đoàn, Hội Ái hữu phải rút vào hoạt động bí mật và lấy tên là “Hội công nhân phản đế” nằm trong Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương.
Tháng 5 năm 1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Mặt trận Việt Minh được thành lập, các hội quần chúng trở thành hội cứu quốc. Theo đó Hội Công nhân phản đế trở thành Hội Công nhân cứu quốc.
Năm 1943, chính phủ phát xít ở Pháp sụp đổ. Ở Viễn Đông, quân đội phát xít Nhật cũng bị những thất bại lớn. Trước diễn biến của chiến cục thế giới, Hội nghị Trung Ương Đảng Cộng Sản Đông Dương tháng 2/1943 đã đề ra nhiệm vụ cho giai cấp công nhân là tích cực tham gia khởi nghĩa, trước hết ở những nơi huyết mạch của quân thù như các thành phố, nhà máy, vùng mỏ, đồn điền.
Từ năm 1943 trở đi, các xí nghiệp lớn như dệt, xi măng, sửa chữa cơ khí…đã bị máy bay đồng minh Anh, Mỹ oanh tạc, phải ngừng sản xuất hoặc phải phân tán về các thị trấn. Những cơ sở tập trung đông công nhân thường là những xí nghiệp phục vụ nhu cầu hậu cần của quân đội Nhật.
Từ năm 1944 cho đến cuộc chính biến của Nhật 9/3/1945, tháng nào cũng nổ ra đấu tranh của công nhân. Ngoài ra công nhân và Hội công nhân cứu quốc còn có những hình thức đấu tranh chính trị và nửa vũ trang để tiến tới giành chính quyền.
Từ giữa tháng 3/1945, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh mẽ và ở nhiều địa phương đã kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Trước khí thế cách mạng đang dâng lên, ngày 15/4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) để chuẩn bị tích cực cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ 19 đến 25/8/1945, công nhân trong các nhà máy, hầm mỏ đã đứng lên giành chính quyền. Đây là một biểu hiện sáng ngời về tính chủ động sáng tạo và tiền phong cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là kết quả của sự kết hợp giữa phong trào công nhân và nhân dân lao động thành thị với phong trào nông dân ở nông thôn trong Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chỉ trong 2 tuần, bộ máy chính quyền thực dân phong kiến bị đập tan. Chiều ngày 2/9/1945, tại cuộc mít tinh ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước đông đảo nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận tham dự, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà. Đây là thắng lợi lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, trong đó lực lượng đi đầu và nòng cốt là giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.
Nhìn chung, trong giai đoạn 1930 – 1945, dù cho tên gọi khác nhau, hình thức hoạt động lúc bí mật, lúc công khai, dù chưa có điều kiện thống nhất tổ chức trong cả nước, nhưng được sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng Cộng sản Đông dương, Công đoàn Việt Nam thật sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam. Từ 6.000 đoàn viên năm 1930, đến năm 1945 số đoàn viên đã lên tới hơn 200.000 người, đóng vai trò to lớn trong việc giành chính quyền ở các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945.
4. Hoạt động Công đoàn Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954)
Sau Cách mạng Tháng Tám, nước ta vừa ra đời đã phải đối mặt với nhiều thế lực giặc ngoại xâm cùng với bọn phản động tay sai đang tìm cách tiêu diệt chính quyền cách mạng. Công đoàn đã tổ chức, vận động CNLĐ tham gia bảo vệ chính quyền, xây dựng cơ sở sản xuất, kịp thời chế tạo, sửa chữa vũ khí cung cấp cho các lực lượng vũ trang. Thiếu nguyên vật liệu, công đoàn đã đứng ra tổ chức “Tuần lễ kim khí”, phát động nhân dân thu lượm sắt thép cung cấp cho các công xưởng. Công đoàn đã tích cực vận động công nhân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “nhường cơm sẻ áo” giúp đỡ đồng bào bị đói. Vận động công nhân hưởng ứng “Tuần lễ vàng” để giải quyết khó khăn cho ngân quỹ Nhà nước.
Tại kỳ họp thứ II (11/1946), Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã thảo luận về Dự án Luật Lao động, trong đó đề cập đến nhiều điều khoản bảo đảm những quyền lợi cơ bản của người lao động.
Để thống nhất về tổ chức trên phạm vi cả nước, ngày 20/6/1946, tại số nhà 51 Hàng Bồ (Hà Nội), Hội nghị cán bộ Công đoàn cứu quốc toàn quốc đã quyết định đổi tên “Hội Công nhân cứu quốc” thành “Công đoàn”; Thống nhất các tổ chức Công đoàn trong cả nước, lấy tên Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đến ngày 20/7/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam chính thức ra mắt. Từ đây, GCCN và lao động Việt Nam được tập hợp trong một tổ chức thống nhất cả nước, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp lao động, các ngành nghề.
Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/12/1946), Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo công nhân thực hiện nhiệm vụ xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí, động viên CNVC cùng lực lượng vũ trang tham gia kháng chiến chống Pháp. Việc tháo dỡ, di chuyển các máy móc, nguyên vật liệu lên Việt Bắc đã được công nhân các xí nghiệp thực hiện gấp rút. Chỉ trong mấy ngày đầu, hơn 3.230 công nhân đã tham gia vận chuyển 6.714 tấn máy móc đến nơi an toàn.
Tại chiến khu Việt Bắc, Tổng LĐLĐ Việt Nam được Đảng, Chính phủ giao trực tiếp xây dựng, tổ chức, quản lý các nhà máy để sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ bộ đội chiến đấu.
Năm 1947, khi chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông giành được thắng lợi, ngày 11/12/1947, Hội nghị Ban Thường vụ Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ra quyết nghị “Nhanh chóng tập hợp, động viên công nhân, lao động trong cả nước dồn sức xây dựng những cơ sở sản xuất mới ở chiến khu để vừa sản xuất, vừa chiến đấu, lập các nhà máy, các trại tăng gia sản xuất để trực tiếp cung cấp vũ khí cho quân đội”. Trong hai năm 1948 – 1949, CNLĐ hăng hái tham gia phong trào thi đua “Tăng gia sản xuất vũ khí”, “Tăng gia sản xuất, tự túc ăn mặc”, “Tích cực chuẩn bị tổng phản công” phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, phục vụ chiến đấu. Nhiều sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật đã nảy nở ở hầu khắp các nhà máy, công xưởng.
Từ ngày 1 đến ngày 15/1/1950, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I đã diễn ra tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội đã nêu quyết tâm “Động viên CNVC cả nước, nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Công đoàn đã vận động công nhân hăng hái sản xuất và tham gia quản lý, xây dựng xí nghiệp. Ở vùng tự do, Công đoàn phát động công nhân “Thi đua sản xuất, thi đua xây dựng”, “Cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, trau dồi nghề nghiệp”. Ở vùng địch tạm chiếm, phong trào công nhân nổ ra mạnh mẽ. Riêng ở Bắc Bộ, năm 1953 có 1.459 cuộc đấu tranh lớn nhỏ về lao động.
Tháng 12/1953, quân và dân ta khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ. Công đoàn đã tập trung toàn bộ sức lực, dấy lên phong trào thi đua “Tất cả để chiến thắng”. Đầu năm 1954, trong lời hiệu triệu nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kêu gọi công nhân vùng bị địch tạm chiếm đoàn kết chặt chẽ, thống nhất hành động, đẩy mạnh hơn nữa các cuộc đấu tranh “Chống giặc bắt lính, chống áp bức bóc lột, chống hạ lương, cúp lương, chống giãn thợ, đuổi công chức”.
Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực vận động GCCN cùng giai cấp nông dân xây dựng khối liên minh công nông vững chắc, làm nòng cốt xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Góp phần tích cực vào chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
5. Hoạt động Công đoàn Việt Nam thời kỳ 1954 – 1975
Tháng 9/1957, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà đã thông qua Luật Công đoàn. Luật quy định rõ vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức công đoàn, mối quan hệ giữa công đoàn và các cơ quan xí nghiệp tư bản tư doanh; những phương tiện hoạt động của công đoàn.
Do yêu cầu của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Tổng Công đoàn và các Liên hiệp Công đoàn tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị cơ sở chuyển hướng hoạt động, tăng cường củng cố và điều chỉnh nội dung sinh hoạt của công đoàn cơ sở. Cán bộ công đoàn ở những nơi có chiến sự ác liệt đã luôn vững vàng gương mẫu, đi đầu trong tổ chức sản xuất, chiến đấu, chăm lo đời sống cho công nhân, viên chức.
Sau 5 năm hoạt động (1954 – 1960), tổ chức Công đoàn Việt Nam đã được xây dựng, củng cố phù hợp với yêu cầu mới, bước đầu phát huy được vai trò của mình trong việc tập hợp, vận động công nhân, viên chức tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển nền kinh tế ở miền Bắc làm căn cứ địa vững chắc cho miền Nam chống Mỹ, Ngụy.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II đã họp từ ngày 23 đến ngày 27/2/1961. Mục tiêu của Đại hội là: “Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc, với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Ngày 17/4/1961, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tại căn cứ Suối Mây, chiến khu D, tỉnh Tây Ninh, Hội lao động giải phóng miền Nam ra đời (sau đổi tên là Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam). Năm 1962, Hội lao động giải phóng được Liên hiệp Công đoàn thế giới công nhận là thành viên chính thức.
Sau đại hội, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sâu rộng trong công nhân, viên chức. Trong đó coi trọng thi đua tập thể mà tiêu biểu là xây dựng các tổ đội lao động tiên tiến, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa. Công nhân, viên chức miền Bắc đã khắc phục nhiều trở ngại, khó khăn, xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững chắc của cách mạng miền Nam. Đến đầu năm 1965, toàn miền Bắc có 1.045 xí nghiệp công nghiệp, trong đó có 250 xí nghiệp lớn do Trung Ương quản lý. Một số cơ sở đầu tiên của ngành công nghiệp nặng quy mô tương đối lớn như cơ khí, luyện kim, hoá chất…đã được xây dựng và đi vào sản xuất, nhiều nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng đã được xây dựng, mạng lưới công nghiệp địa phương đã có bước phát triển mới. Tỷ trọng công nghiệp trong giá trị tổng sản lượng công nghiệp đã tăng lên 53%. Công nghiệp của miền Bắc đã đảm bảo được 90% hàng tiêu dùng thiết yếu và một phần tư liệu sản xuất2. Mặc dù, trong điều kiện chiến tranh diễn ra ác liệt, các cấp công đoàn đã động viên, khuyến khích CNVC không quản ngại gian khổ, hy sinh, tham gia các đội tự vệ, kiên trì bám trận địa chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ nhà máy xí nghiệp, thực hiện kế hoạch sản xuất, phục vụ tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ đột xuất đề ra… Trên mặt trận sản xuất và chiến đấu, cán bộ đoàn viên công đoàn đã lao động quên mình với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả cho tiền tuyến”. Hàng vạn cán bộ đoàn viên công đoàn và thanh niên công nhân đã lên đường tòng quân, tham gia chiến đấu trong các đơn vị chủ lực bắn máy bay, tàu chiến của đế quốc Mỹ, hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam, sát cánh cùng quân và dân miền Nam đánh Mỹ, xuất hiện ngày càng nhiều gương cá nhân, tập thể điển hình, tiên tiến, những cá nhân và đơn vị anh hùng tiêu biểu cho phong trào thi đua “Tay búa, tay súng”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”.
Trên cơ sở phát triển Hội Lao động giải phóng, những năm từ 1965 – 1970 đã hình thành Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam, có hệ thống tổ chức trong toàn miền. Trong cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Công đoàn giải phóng vận động công nhân lao động ở hầu khắp các đô thị nhất loạt nổi dậy phối hợp với các lực lượng vũ trang tiêu diệt địch giành quyền làm chủ.
Đại Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam đã họp từ ngày 11 đến ngày 14/2/1974. Đại hội đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà làm Chủ tịch danh dự. Đại hội đề ra mục tiêu là “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Đại hội biểu dương những thành tích to lớn của GCCN và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH những năm qua.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam, hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam được đẩy mạnh nhằm tranh thủ sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của lao động và công đoàn các nước trên thế giới đối với việc xây dựng miền Bắc XHCN, tiếp tục chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hoạt động quốc tế của Công đoàn Việt Nam đã góp phần tăng cường đoàn kết chiến đấu với nhân dân Lào, Cămpuchia theo tinh thần Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương, đưa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Lào, Cămpuchia đến thắng lợi hoàn toàn. Củng cố và phát triển tình đoàn kết, sự hợp tác anh em về mọi mặt với lao động và công đoàn Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác. Tăng cường ủng hộ cuộc đấu tranh của GCCN và nhân dân lao động các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh, các tổ chức công đoàn tiến bộ ở các nước TBCN, chống chủ nghĩa đế quốc cầm đầu là đế quốc Mỹ, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới giành độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Công đoàn Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ của Liên hiệp Công đoàn Thế giới và phong trào công nhân, Công đoàn thế giới vì những mục tiêu và quyền lợi chung của người lao động và tiến bộ xã hội.
6. Hoạt động Công đoàn từ 1975 đến nay
Sau năm 1975, Tổng Công đoàn Việt Nam và Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuy tên gọi và hình thức hoạt động khác nhau, nhưng đều là tổ chức quần chúng của GCCN, cùng làm nhiệm vụ chung của tổ chức Công đoàn trên phạm vi cả nước.
Đầu năm 1976, thắng lợi của cuộc bầu cử chung cả nước (Quốc hội khóa VI), nước CHXHCN Việt Nam ra đời, đã tạo điều kiện thuận lợi cơ bản để chúng ta tiến hành thống nhất tổ chức Công đoàn trên phạm vi cả nước.
Ngày 6/6/1976, Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc khai mạc trọng thể tại hội trường thống nhất TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị đã thông qua nghị quyết về thống nhất công đoàn cả nước, lấy tên gọi là Tổng Công đoàn Việt Nam.
Từ ngày 08 đến 11/5/1978, Đại hội Công đoàn lần thứ IV được triệu tập tại Hà Nội. Đại hội xác định nhiệm vụ trong thời kỳ mới là “Tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong CNVC. Giáo dục đoàn viên công đoàn nâng cao nhận thức chính trị, tác phong công nghiệp, tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật…”
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, tổ chức Công đoàn có những chuyển biến đáng kể về tổ chức, số lượng đoàn viên tăng lên nhanh chóng cùng với sự phát triển của GCCN. Đến tháng 9/1981, tổng số đoàn viên là 3.010.250 người, trong tổng số 3.678.665 công nhân, viên chức (81,82%). Hệ thống Công đoàn xây dựng rộng khắp ở các cấp, các ngành phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức quảng lý.
Từ ngày 16 đến ngày 18/11/1983, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V được triệu tập tại Hà Nội. Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ là “Động viên công nhân lao động thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng. Phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu”.
Từ ngày 17 đến ngày 20/10/1988, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI được triệu tập tại Hà Nội. Đây là đại hội đầu tiên của GCCN và tổ chức Công đoàn bước vào thời kỳ đổi mới. Đại hội đã đổi tên “Tổng Công đoàn Việt Nam” thành “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” và xác định mục tiêu là “Vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội”.
Đại hội VII Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 10 đến ngày 12/11/1993 tại Hà Nội. Đại hội xác định mục tiêu của hoạt động Công đoàn trong những năm tới là “ Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân lao động”.
Hoạt động của các cấp Công đoàn sau Đại hội đã gắn với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, mục tiêu vì việc làm, đời sống của CNVCLĐ, có tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh trong mỗi đơn vị, cơ quan. Trong giai đoạn này, CNVCLĐ tích cực thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Thực hành tiết kiệm”, phong trào “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”….
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII đã họp từ ngày 3 đến ngày 6/11/1998. Khẩu hiệu hành động của đại hội đề ra là “Vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh”.
Từ ngày 10 đến ngày 13/10/2003, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đề ra mục tiêu là “Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Từ ngày 02 đến ngày 05/11/2008, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đề ra khẩu hiệu hành động: “Đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước”. Đại hội xác định mục tiêu, phương hướng: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp; Hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, CNVCLĐ làm đối tượng vận động; Chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.
Đại hội XI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 2 đến ngày 30/7/2013 tại Hà Nội. Đại hội đã xác định mục tiêu, phương hướng cho hoạt động của tổ chức công đoàn trong những năm 2013 – 2018 là: “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; nâng cao chất lương công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đại hội đã đề ra phương châm hành động cho các cấp công đoàn là: “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”.
Thực hiện Nghị quyết của các kỳ Đại hội, các cấp Công đoàn đã tích cực chủ động thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia xây dựng hoàn thiện hàng trăm Luật, Pháp lệnh, Nghị định liên quan đến các chính sách, chế độ, đảm bảo hài hòa lợi ích của NN, DN và NLĐ. Nổi bật là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tập trụng chỉ đạo, thực hiện việc nghiên cứu và tham gia xây dựng Bộ Luật Lao động (năm 2012), Luật Công đoàn (năm 2012). Cả hai dự thảo Luật quan trọng này, đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận và nhất trí thông qua với sự đồng thuận cao. Thông qua đó, tạo nên cơ sở pháp lý cho hoạt động chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ, đưa hoạt động của tổ chức Công đoàn có những bước phát triển mới.
Nhờ sự chủ động trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của Công đoàn các cấp, hằng năm đã có hơn 95% cơ quan, đơn vị mở HNCBCC, hơn 93% doanh nghiệp NN mở đại hội CNVC, số đơn vị ký kết TƯLĐTT hằng năm đạt bình quân 64%. Có thể nói đây là những bước tiến quan trọng trong xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ tại nhiều DN. Các hoạt động đối thoại giữa NLĐ với chính quyền, Công đoàn và NSDLĐ được tổ chức kịp thời, đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, bình ổn tâm lý sinh hoạt, cuộc sống của CNLĐ.
Nhằm tạo dựng môi trường lao động thân thiện, an toàn cho người công nhân, các hoạt động “Tuần Lễ quốc gia” về ATVSLĐ, PCCN và Ngày môi trường thế giới luôn được duy trì, góp phần xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về bảo hộ Lao động.
Các phong trào thi đua “Lao động gỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, phong trào “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo vệ sinh lao động”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “An toàn giao thông”, “Xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” v.v.v được thực hiện sôi nổi, rộng khắp.
Với ý nghĩa nhân văn cao cả, phong trào xây dựng Mái ấm Công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, thực sự đã nhân lên niềm tin, hy vọng cho hàng nghìn, hàng triệu CNLĐ. Bên cạnh đó, CB, CNVCLĐ luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu, đóng góp chủ yếu trong cuộc vận động xã hội nhân đạo, từ thiện, xây dựng quỹ Tấm lòng vàng, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, ngày vì người nghèo với giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Cùng với sự triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng nếp sống văn hóa trong cơ quan, doanh nghiệp, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được các cấp Công đoàn quan tâm chỉ đạo. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu tập trung vào CNLĐ trong các DN ngoài NN và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho đông đảo đoàn viên, NLĐ.
Tiếp nối truyền thống tương thân, tương ái, Chương trình Tấm lưới nghĩa tình vì Ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa ra đời trong bối cảnh NLĐ trên biển gặp khó khăn về mọi mặt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hàng triệu lượt đoàn viên, NLĐ và DN trong cả nước đã chung tay góp sức, hỗ trợ với số tiền hàng chục tỷ đồng, giúp hàng trăm ngư dân gặp khó khăn khi hàng nghề trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Thực hiện “Tháng Công nhân” và kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5), nhiều ngành và địa phương đã có các hoạt động thiết thực, như Chương trình đồng hàng cùng NLĐ, cùng CNLĐ vượt khó, ở đâu khó ở đó có Công đoàn, Tết sum vầy, Tết lao động v.v.v được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vị thế của tổ chức công đoàn trong xã hội từng bước được nâng lên. Quan hệ quốc tế của Công đoàn Việt Nam từng bước được mở rộng. Đội ngũ công nhân, viên chức, lao động nước ta đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng và quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, nỗ lực vươn lên trong lao động và công tác… giữ vai trò quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng, lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
7. Các tên gọi của Công đoàn Việt Nam:
Năm 1929 đến 1936: Công hội Đỏ
Năm 1936 đến 1939: Nghiệp đoàn, Hội Ái Hữu
Năm 1941 đến 1946: Hội công nhân phản đế
Năm 1946 đến 1961: Tổng LĐLĐ Việt Nam
Năm 1961 đến 1988: Tổng Công đoàn Việt Nam
Từ năm 1988 đến nay: Tổng LĐLĐ Việt Nam
Theo: TLĐLĐVN, Lịch sử PTCN và Công đoàn Việt Nam, tập II, NXB. Lao động, Hà Nội, 2004.