Một trong những rắc rối mà các cha mẹ đang gặp phải là phân vân giữa việc ngăn cấm hay cho phép trẻ làm quen và sử dụng mạng xã hội. Việc cho phép trẻ làm quen với các thiết bị công nghệ và dạy trẻ sử dụng mạng xã hội là cần thiết và cần lựa chọn thời gian thích hợp. Vì việc ngăn cấm trẻ tiếp xúc với công nghệ cũng đồng nghĩa với việc ngăn trẻ hiểu biết xã hội, công nghệ và các ưu điểm to lớn mà mạng xã hội mang lại.
Dưới đây là 5 bước để bố mẹ trang bị kỹ năng sống cho trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn.
1.Trang bị cho con kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Để bảo vệ con trên môi trường trực tuyến, chính các bậc cha mẹ cũng nên biết cách bảo vệ quyền riêng tư của mình và hướng dẫn con những cách đơn giản và hiệu quả để kiểm soát thông tin cá nhân. Sử dụng mật khẩu mạnh và bảo mật hai lớp cho tài khoản trực tuyến của cả cha mẹ và con là những cách đơn giản nhất để bắt đầu kiểm soát thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, con nên ẩn thông tin cá nhân, không gặp gỡ người lạ trên mạng xã hội, không dùng chung password.
Con cần cảnh giác với việc kết bạn với người lạ
Trên Facebook, cha mẹ có thể chỉ dẫn cho con cách kiểm soát những gì con nhìn thấy trên Bảng tin bằng cách click vào dấu ba chấm phía trên bên phải của bất cứ bài đăng nào: Nếu con không muốn thấy một bài đăng xuất hiện nữa, con có thể ẩn nó đi. Nếu con không muốn thấy bài đăng từ một người nào đó, con có thể bỏ theo dõi hoặc tạm ẩn họ. Con cũng thể phản hồi hoặc báo cáo một bài đăng mà con thấy có nội dung bắt nạt/lạm dụng. Đây là bước đầu tiên cần thực hiện trong việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn.
2.Thống nhất về thời gian sử dụng Internet
Trẻ em thường không quản lý được thời gian mình của mình. Vì thế, cha mẹ cần giúp trẻ xây dựng kế hoạch quản lý thời gian. Trẻ có thể đề xuất thời gian mà mình muốn nhưng cần hợp lý, sau khi đã hoàn thành các công việc khác và đảm bảo không ảnh hưởng tới bản thân và các thành viên trong gia đình. Đây là bước thứ hai để trang bị kỹ năng sống cho trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn.
Một điều cần lưu ý là khi đề ra những quy định cho con mình, chính các bậc cha mẹ hay các thành viên trong gia đình cũng phải trở thành hình mẫu tốt của con cái. Con trẻ sẽ nhìn vào những gì mà người lớn đã làm chứ không phải những gì mà chúng ta nói. Nếu cha mẹ đưa ra những giới hạn về thời gian online hoặc sử dụng mạng xã hội cho con mình, cha mẹ cũng phải thực hiện những quy định đó.
3. Dạy con có trách nhiệm trên môi trường trực tuyến
Thay vì coi những hành vi trực tuyến của con là trách nhiệm của mình, các bậc cha mẹ hãy dạy con tự chịu trách nhiệm với những hành động của con, dù đó là môi trường thực hay môi trường mạng. Trước khi con muốn chia sẻ bất cứ điều gì trên mạng xã hội, con nên suy nghĩ kỹ hoặc nếu cảm thấy cần thiết có thể trao đổi với cha mẹ để con suy nghĩ liệu nội dung đó sẽ được hiểu như thế nào. Những câu hỏi có thể là: Nội dung này có thể bị hiểu nhầm hay mang nội dung bắt nạt/xúc phạm người khác không? Liệu ai đó có thể sử dụng nội dung này để gây hại đến con không? Con có buồn không nếu có người chia sẻ nội dung đó với những người khác nữa? Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu con chia sẻ nội dung này là gì?
Cha mẹ nên cho giải thích cho con hiểu rằng: Mạng xã hội là con người thứ hai của con. Đừng nên chia sẻ khi tâm lý đang không ổn định như giận dữ, thất vọng hoặc bị kích động. Những khi con gặp vấn đề, con nên chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc những người xung quanh để có cách giải quyết trực tiếp và phù hợp hơn. Chính vì vậy, không chỉ cần kiểm soát thông tin cá nhân, các nội dung theo dõi mà con cũng cần có kỹ năng sống khác là kiểm soát cảm xúc và cách thể hiện của bản thân.
4. Khuyến khích trẻ đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động trải nghiệm thực tế
Bố mẹ có thể chia sẻ để trẻ hiểu rằng, mạng xã hội là thế giới ảo. Trẻ cũng có thể thực hiện rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác như tham gia các hoạt động xã hội. Từ đó, trẻ sẽ có nhận thức rõ ràng về bản thân, đồng thời xây dựng được các mối quan hệ lành mạnh với người khác trong xã hội, rèn luyện tính tự lập, có những cảm xúc, trải nghiệm thú vị từ những trải nghiệm thực tế. Kỹ năng sống cho trẻ cần được xây dựng dần dần và bằng nhiều hình thức khác nhau.
Khuyến khích con chơi cùng bạn bè
Khuyến khích con chơi cùng bạn bè
5. Sử dụng công nghệ để làm bạn với con
Làm bạn với con là cơ sở để trẻ thoải mái chia sẻ những vấn đề mà con gặp phải
Việc kết bạn cùng con trên mạng xã hội sẽ giúp cha mẹ hiểu nhanh tâm tư của con hơn. Cha mẹ không nên phán xét nhắc nhở con trên mạng xã hội, chỉ đơn giản là một người bạn của con trên đó bởi trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ hay tự ti với bạn bè khi bố mẹ luôn coi mình là một đứa trẻ. Thay vì răm rắp nghe lời, trẻ có thể có những phản ứng tiêu cực khác như con sẽ block cha mẹ luôn hoặc thay đổi nick để mẹ không theo dõi. Nếu cha mẹ tạo được thói quen chia sẻ, làm bạn với con từ bé, con sẽ chia sẻ với cha mẹ mà không cần phải lên Facebook than thở.
Khi cha mẹ muốn tìm hiểu một nền tảng mạng xã hội mới hoặc một công nghệ mới, có thể con bạn sẽ là một nguồn thông tin tuyệt vời. Con có thể sẽ hứng thú với việc được hướng dẫn cha mẹ một lĩnh vực mới, đặc biệt là công nghệ. Điều này không chỉ giúp xóa nhòa khoảng cách giữa cha mẹ và con cái mà thông qua việc đặt các câu hỏi, bạn cũng có thể khéo léo biết được khả năng, kỹ năng sống trong việc sử dụng mạng xã hội an toàn của con.
Thay vì áp đặt và cưỡng chế khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng vì vấn đề an toàn trên mạng xã hội, cha mẹ có thể tạo điều kiện và hỗ trợ để con dần xây dựng được kỹ năng này. Hy vọng rằng với 5 bước gợi ý trên đây, cha mẹ vừa có thể hình thành được bộ kỹ năng sống cho trẻ, vừa giúp con phát triển và nhạy bén với thế giới thông minh hơn.