Trong thực tế có không ít cha mẹ luôn áp đặt, cho rằng trẻ em là đối tượng cần phải lắng nghe người lớn. Con cái phải lắng nghe cha mẹ chứ làm gì có chuyện ngược lại. Tuy nhiên, việc lắng nghe con trẻ thực sự rất quan trọng và cần thiết hơn bạn nghĩ.
Được lắng nghe giúp trẻ phát triển giao tiếp
Các nghiên cứu về tâm lý hành vi và cảm xúc của trẻ em cho thấy, lắng nghe là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp mà nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua khi tiếp xúc với con.
Trong khi đó, nhu cầu được lắng nghe lại là yếu tố hàng đầu để con cảm thấy lời nói, hành động của chúng được cha mẹ coi trọng. Lắng nghe con một cách tích cực, cha mẹ đang trở thành một hình mẫu tuyệt vời để trẻ phát triển các mối quan hệ với thế giới bên ngoài và trong tương tác xã hội.
Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ nhỏ đang không ngừng học cách định hướng thế giới bằng cách học theo các tín hiệu từ cha mẹ. Vì vậy, kiên nhẫn lắng nghe và cho phép trẻ có đủ thời gian để thể hiện bản thân theo tốc độ của riêng mình, cha mẹ sẽ tạo ra một nơi “trú ẩn” an toàn để con tự do thể hiện bản thân.
Được cha mẹ lắng nghe là cơ hội để trẻ bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình và có thể thúc đẩy cảm giác hạnh phúc. Lắng nghe cũng sẽ xây dựng các mối quan hệ bền chặt và tạo ra một môi trường an toàn để trẻ truyền đạt những mong muốn, nhu cầu và quan điểm của mình. Xây dựng lòng tự trọng.
Những đứa trẻ không được cha mẹ lắng nghe thường có suy nghĩ rằng bản thân chúng không xứng đáng với cha mẹ và dần đánh mất sự tự tin, lòng tự trọng. Điều này có thể gây bất lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Ngược lại, khi trẻ cảm thấy mình luôn có được sự tôn trọng từ cha mẹ, lòng tự trọng của chúng sẽ tăng lên gấp bội. Vì vậy, hãy cố gắng dành thời gian cho con để trẻ nhận được sự quan tâm hoàn toàn của cha mẹ. Từ đó, giúp trẻ xây dựng giá trị bản thân và khiến chúng cảm thấy có giá trị, lớn lên thành người tự tin.
Nâng cao nhận thức về cảm xúc
Các khảo sát về tâm lý hành vi và cảm xúc của trẻ cũng cho thấy, những gia đình thường xuyên có sự chia sẻ thông tin và dành thời gian bên nhau sẽ có những đứa con thích nghi tốt và ít có khả năng bị trầm cảm.
Bằng cách lắng nghe với một tâm thế không phán xét, đổ lỗi và luôn đặt vị thế, lợi ích của trẻ lên hàng đầu sẽ thúc đẩy việc cho phép cha mẹ hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con.
Đặc biệt, trong những giai đoạn có nhiều biến động như xung đột, khủng hoảng, đại dịch… việc lắng nghe có thể đóng vai trò như một trụ đỡ cho những cảm xúc của trẻ được nương tựa, hỗ trợ, tin cậy và giảm khả năng xảy ra những tác động tiêu cực lâu dài.
Lắng nghe trẻ giúp cha mẹ thay đổi
Mặc dù biết lắng nghe trẻ em mang lại nhiều lợi ích, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta biết cách thực sự lắng nghe và làm đúng? Cha mẹ thường bị giới hạn trong các chuẩn mực và áp lực xã hội.
Đôi khi, vì thái độ trưởng thành của mình, cha mẹ có thể tự động bác bỏ những lời nói, suy nghĩ của con mình với quan niệm “chúng còn thiếu kinh nghiệm”... Đặc biệt là khi lời nói đó trái với quan điểm hoặc niềm tin của cha mẹ.
Chính sự coi thường và suy nghĩ áp đặt của cha mẹ đã cản trở sự hòa nhập, thấu hiểu giữa 2 thế hệ, gây nhiều trở ngại cho sự phát triển toàn diện của con trẻ.
Lắng nghe tưởng chừng là một nhiệm vụ đơn giản nhưng lại không dễ dàng, bởi cha mẹ cần trang bị nhiều kỹ năng, sự kiên nhẫn, thái độ tích cực cùng những thay đổi cần thiết của bản thân để những lợi ích của trẻ em luôn được coi trọng và bảo vệ.