"... Mỗi giọt máu một niềm hy vọng
Cho cuộc đời những nụ cười tươi
Giọt máu hồng giúp trẻ thơ được sống
Những cụ già chan chứa niềm vui..."
(Trích bài thơ của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình)
Mỗi giờ, mỗi phút trên đất nước ta có biết bao bệnh nhân phải đối mặt với những tình huống nguy cấp bởi không đủ lượng máu kịp thời cung ứng cho toàn bộ những người bệnh. Vì thế họ rất cần đến những giọt máu nghĩa tình cứu giúp. “Mỗi giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”, tức là ta sẽ trao đi những giọt máu hồng để mang lại cho người bệnh và người thân của họ một ít niềm tin và hi vọng, thậm chí còn có thể giữ họ lại với cuộc sống. Qua đó chúng ta có thể thấy được vai trò to lớn của hành động mang tính nhân văn sâu sắc này. Đây là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc ta. Ngày nay, phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng được nhân rộng mạnh mẽ và thu hút đông đảo cộng đồng biết đến và hưởng ứng tham gia.
Xuất phát từ những ý nghĩa đó, trong nhiều năm qua, trường Tiểu học Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội luôn phát huy giá trị này gắn với việc đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua hành động cụ thể - hiến máu tình nguyện cứu người. Trong mỗi năm học, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn tham gia tích cực các đợt phát động hiến máu tại địa phương. Một trong những điển hình đó là cô giáo Trần Thị Phương, sinh năm 1985, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, người có thành tích hiến máu tình nguyện 10 lần.
Cô giáo Trần Thị Phương
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình có nhiều thành viên tham gia hoạt động giáo dục, cô Phương đã hiểu rất rõ giáo viên là những người có ảnh hưởng rất lớn đối với các thế hệ trẻ. Chính vì vậy, ngay từ khi còn là sinh viên Sư phạm, với vai trò là một Bí thư Chi đoàn năng nổ, tích cực, cô Trần Thị Phương đã tìm hiểu các thông tin về việc hiến máu từ các bác sĩ tư vấn và tình nguyện viên và nhận thấy mình có đủ điều kiện tham gia nên cô rất tự tin để hiến máu. Bản thân cô cũng nhận thấy sau khi hiến máu xong, nghỉ ngơi một thời gian ngắn, sức khoẻ vẫn bình thường, ăn ngủ có phần tốt hơn, cơ thể có phần thư thái hơn. Rồi đến khi chính thức trở thành giáo viên cho đến hiện tại, mỗi khi có đợt phát động hiến máu tình nguyện, cô Phương đều chủ động tham gia nhiệt tình. Cô Phương chia sẻ: “Lần đầu tiên hiến máu, mình chỉ hiến được 250ml máu, trong khi có người hiến được 350ml thì mình cảm thấy rất khâm phục họ. Vì vậy mình đã rất nỗ lực để đạt tiêu chuẩn sức khoẻ để hiến được nhiều máu hơn. Và từ đó đến nay, mình luôn duy trì mức hiến máu là 350ml”. Hơn 10 năm học tập và công tác trong ngành giáo dục, cũng là bấy nhiêu năm cô Trần Thị Phương gắn bó với công tác hiến máu tình nguyện. Cô đã tham gia tích cực vào hoạt động hiến máu nhân đạo do nhà trường và địa phương phát động. Mỗi năm cô đều tham gia hiến máu, có năm hiến máu 2 lần. Mỗi lần được hiến máu, cô đều cảm thấy rất tự hào vì đã làm được một việc có ích, góp phần tác động tích cực trong công cuộc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Cô Phương luôn tích cực tham gia hoạt động hiến máu
Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, tất cả các lịch hiến máu của Hà Nội đều bị huỷ, chỉ có các điểm hiến máu cố định và tại một số bệnh viện còn tiếp nhận được; số người hiến máu giảm đáng kể so với nhu cầu truyền máu ở các bệnh viện, tình trạng khan hiếm máu ở các Trung tâm truyền máu, các bệnh viện lại càng trầm trọng hơn. Hưởng ứng lời kêu gọi “Giãn cách nhưng không xa cách”, “Hiến máu an toàn - đừng ngại Covid” của Viện Huyết học - Truyền máu TW, cô Trần Thị Phương đã không ngần ngại đăng kí sẻ chia những giọt máu của mình để hỗ trợ người dân đang kiên cường chống lại đại dịch Covid-19. “Trong lúc nguy cấp, thuốc chữa bệnh còn có thể mua được nhưng những giọt máu đào đâu dễ kiếm được.” – cô Phương chia sẻ thêm. Với suy nghĩ ấy, cô còn tích cực lan toả hoạt động ý nghĩa này trên trang cá nhân để nhiều người thân, người bạn của mình cùng tham gia hưởng ứng. Bản thân tôi cũng nhờ chia sẻ của cô mới biết đến thông điệp hiến máu khẩn cấp và tôi cũng đã nhanh chóng cùng người thân đăng kí hiến máu.
Cô Phương chia sẻ trên mạng xã hội hoạt động hiến máu trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19 và nhận nhiều phản hồi tích cực
Là một giáo viên, cô còn nhận thấy việc tham gia hiến máu nhân đạo là một hành động gương mẫu, là cách để truyền cảm hứng cho học sinh của mình về tình yêu thương và trách nhiệm đối với xã hội. Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức về sức khỏe, giáo viên còn cần tiên phong thực hành để truyền cảm hứng cho học sinh. Trong các bài giảng, cô cũng đã khéo léo lồng ghép đưa ý nghĩa hoạt động hiến máu nhân đạo để giáo dục cho học sinh lòng nhân ái, yêu thương con người, trách nhiệm với xã hội. Từ đó cô đã truyền đi thông điệp tích cực đến thế hệ tương lai về tầm quan trọng của việc giúp đỡ người khác trong cuộc sống và trở thành những công dân có trách nhiệm với xã hội. Mỗi lứa học sinh của Phương đều rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội do nhà trường phát động để xứng đáng danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Cô Phương cùng các con học sinh được tuyên dương trong Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long cấp trường
Cô Phương (ngoài cùng bên phải) trong Ban giám hiệu trường Tiểu học Nguyễn Tuân
Giờ đây, nằm trong bộ máy lãnh đạo của nhà trường, việc tham gia hiến máu của cô cũng giúp cô có thêm cơ hội để trao đổi, chia sẻ nhiều hơn với mọi người. Trong quá trình hiến máu, cô có thể gặp gỡ những người mới, học hỏi từ những câu chuyện và trải nghiệm của họ, từ đó cô có thể mở rộng vòng tay yêu thương, lan toả nhiều hơn nữa giá trị, ý nghĩa của hoạt động này cho đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh, góp phần tăng cường thêm sự đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng. Hành động này không chỉ bổ sung nguồn máu để cứu giúp người bệnh mà còn mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc.
Cô Phương (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp tham gia hiến máu
Cô Phương vẫn tiếp tục bền bỉ tham gia hiến máu
Đã hơn 10 năm sau khi được hoà chung không khí rộn ràng của tuổi trẻ tham gia hiến máu, cô cảm thấy xúc động vô cùng khi hành trình hiến máu của mình vẫn đang tiếp nối. Hạnh phúc được san sẻ - hạnh phúc nhân đôi; nỗi buồn được chia sẻ - nỗi buồn vơi đi một nửa; những giọt máu được chia sẻ mang theo “sứ mệnh” từ trái tim ta đến trái tim mọi người, để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn. Cô tin rằng dưới mái trường Nguyễn Tuân - trường học hạnh phúc này và nhiều mái trường trên đất nước Việt Nam, nhiều hạt giống yêu thương cũng sẽ sẵn sàng đơm hoa, kết trái.
Bên cạnh hoạt động hiến máu, cô Phương còn rất tích cực tham gia các phong trào nhân đạo khác như thăm hỏi, tặng quà giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ các đợt kêu gọi từ thiện của các cấp, tham gia đoàn thiện nguyện giúp đỡ địa phương vùng lũ lụt… Trong năm học 2022-2023, cô cùng với các giáo viên trong trường đã nhận đỡ đầu cho 02 em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo, giúp gia đình các em giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí khi chữa bệnh cho các con. Với cô, mỗi việc làm tốt giúp đỡ cho cộng đồng là một hạt giống hạnh phúc được gieo trồng, góp phần trồng nên một rừng cây việc tốt, khi đó xã hội ta sẽ thật tốt đẹp biết bao.
Cô Phương (thứ hai trừ phải sang) tham gia tặng quà, thăm hỏi học sinh có hoàn cảnh khó khăn dịp Trung thu năm 2020
Cô Phương (ngoài cùng bên trái) tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19
Cô Phương (thứ hai từ phải sang) tham gia tặng quà tại trường mầm non Lệ Thuỷ, Quảng Bình
Có thể nói, việc làm của cô mặc dù nhỏ bé nhưng bền bỉ, xuất phát từ trái tim đầy nhiệt huyết đã góp phần giúp phong trào hiến máu tình nguyện và phong trào nhân đạo có sức lan toả đến mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, những điển hình như cô Phương sẽ ngày càng được nhân rộng để có ngày càng nhiều hơn những tấm gương tô đẹp cho cuộc sống và trở thành động lực cho nhiều người cùng tham gia hiến máu và các hoạt động nhân đạo khác.