“Quay cuồng” với công tác chống dịch
Hơn 26 năm nỗ lực, cống hiến cho ngành Y tế Thủ đô nhưng chị Nguyễn Băng Hải có tới 16 năm gắn bó với TYT phường Hạ Đình. Với chị, mỗi năm công tác đều có những câu chuyện, nhiệm vụ đặc biệt khác nhau. Chị Hải chia sẻ, thực sự ngành y năm nay quá vất vả. Từ đầu mùa dịch đến nay, nhân viên y tế của TYT cứ quay cuồng với nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, điều tra, truy vết, khoanh vùng xử lý các ca bệnh, tiêm vaccine Covid-19 cho người dân.
Chị Nguyễn Băng Hải – Trưởng TYT phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân
Công việc cứ triền miên, thâu đêm suốt sáng. Hầu như cán bộ, nhân viên y tế TYT đều phải ra khỏi nhà từ 6 giờ. Đến cơ quan, anh chị em phân công công việc về những ca điều tra, truy vết của ngày hôm trước, cập nhật tình hình F1, F2 ra sao… F2 cách ly tại nhà có đảm bảo đúng giãn cách, có triệu chứng sốt, ho, khó thở, thay đổi vị giác không. Rồi lên danh sách, sàng lọc, chuẩn bị công tác tiêm chủng tại điểm tiêm tập trung hoặc tiêm tại TYT…
Tuy nhiên, theo chị, vất vả nhất là những cán bộ đi lấy mẫu, thường xuyên phải mặc bộ đồ bảo hộ, xông vào ổ dịch làm nhiệm vụ đặc biệt. Đợt dịch thứ 4 lại căng thẳng vào giữa mùa hè, có những anh em lấy mẫu được 2 tiếng gần như ngất vì bị mất nước, kiệt sức bởi những bộ quần áo bảo hộ kín mít, ngột ngạt, khó chịu… “Đôi khi, bất chợt nhìn hình ảnh của lực lượng y tế lao mình vào cuộc chiến chống Covid-19, tranh thủ chợp mắt ngay trên sàn gạch sau nhiều giờ làm việc mà tôi thấy nghẹn lòng” - Chị Hải chia sẻ.
Hiện TYT Hạ Đình có 7 người, trong đó, một nhân viên y tế phải thường trực ở nhà để điều tra, truy vết, 2 - 3 người đi lấy mẫu, 3 người đi tiêm. Thực tế, họ không thể làm hết việc, vẫn phải có đội ngũ tăng cường của các bệnh viện, y tế tư nhân hỗ trợ nhưng việc chính cán bộ y tế tại TYT vẫn phải làm, nắm số liệu. Bởi họ là người sát dân, gần dân, mới tường tận việc khoanh vùng, lấy mẫu vừa không lãng phí vừa đảm bảo hiệu quả phòng dịch. Vì vậy, đợt cao điểm, ngày làm việc của họ thường xuyên kéo dài, bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào 22 giờ đêm. Thậm chí, hôm nào có ca F0 báo về, thì hôm đó trắng đêm là chuyện bình thường.
Dù công việc diễn ra liên tục, gần như 24/24h và áp lực; nhiều hôm, dồn sức cho công tác chống dịch, không có thời gian nấu nướng, anh em trong TYT chỉ kịp “húp” tạm bát mì tôm hoặc hộp sữa cho qua bữa… nhưng tất cả mọi người đều phải động viên nhau cùng cố gắng.
Từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, phường Hạ Đình xuất hiện 6 ổ dịch liên quan đến người đi về từ Đà Nẵng, Bệnh viện K, tại 95 Láng Hạ, ổ dịch Thanh Xuân Trung, Công ty Thanh Nga… Hầu như các ca dịch của phường đều có nguồn gốc, không có trường hợp nào phát sinh trong cộng đồng. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người dân, đặc biệt sự hy sinh thầm lặng của lực lượng y tế, những ổ dịch tại phường Hạ Đình được khoanh vùng rất gọn, đảm bảo không lây lan rộng. Do đó, hầu hết các điểm dịch cứ khoanh vùng khoảng 7 ngày thì đều được dỡ bỏ phong tỏa.
Đến nay đã qua giai đoạn khó khăn, vất vả nhất. Mọi người dân đã trở về cuộc sống bình thường mới, đã được đi làm, hàng quán được mở. Theo chị Hải, có được thành quả đó là sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, tình cảm tin yêu, trân trọng, sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ, hợp tác của người dân đóng vai quan trọng. Đó chính là động lực để những người khoác áo bờ-lu trắng ở TYT Hạ Đình vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dồn sức cho công tác chống dịch được tốt nhất.
Chắp nhặt những niềm vui nhỏ
26 năm gắn bó với nghề, với nữ trạm trưởng Nguyễn Băng Hải, tình cảm, tấm lòng của nhân dân với người thầy thuốc là thứ quý giá nhất mà chị luôn ghi nhớ, trân trọng. Những câu chuyện, việc làm dù giản dị, nhỏ bé nhưng lại là động lực để chị bước tiếp trên con đường sự nghiệp đã chọn. Chị bảo, chị sẽ không bao giờ quên suất cơm nóng hổi, vừa thổi xong của người dân mang đến cho chị và những đồng nghiệp ở TYT phường Hạ Đình trong những ngày chống dịch. “Tôi không chỉ được ăn cơm họ nấu mà còn được “bồi bổ” bằng thứ tình cảm đáng quý, đáng trân trọng ấy. Cầm bát cơm mà chúng tôi rưng rưng nước mắt…” - bác sĩ Hải xúc động chia sẻ.
Chị Nguyễn Băng Hải đang rà soát danh sách những người tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn phường Hạ Đình
Ngoài ra, chị Hải vẫn ghi nhớ như in những lần sơ cấp cứu kịp thời và cứu sống được tính mạng của một bác cao tuổi bị cơn đau thắt ngực; hay hỗ trợ một sản phụ “đẻ rơi” trên một tấm phản (ghép cốp pha), giúp đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, an toàn. Rồi cả những đêm bật dậy để hướng dẫn, tư vấn cho những người dân sau khi tiêm phòng vắc xin Covid - 19. Tâm sự với chúng tôi chị Hải bảo: “Mình ở TYT phường, không chữa bệnh được cho những người bệnh nặng nhưng đã phát hiện sớm nhiều trường hợp cấp cứu, cứu sống tính mạng cho nhiều người dân, đó cũng là niềm động viên, an ủi, hạnh phúc với mình”. Chị kể, trong những đợt tiêm vắc xin Covid-19 vừa qua, 1 - 2 giờ đêm bật dậy nghe điện thoại và hướng dẫn cho người dân là chuyện như cơm bữa. Nhất là đợt đầu tiêm vắc xin Covid-19, nhiều người lo lắng sau khi tiêm, nửa đêm, cứ 15 phút, chị lại có điện thoại 1 lần. Nhưng bằng sự tận tụy và trách nhiệm với nghề, chị chưa để nhỡ một cuộc gọi nào và đã hướng dẫn, giúp đỡ, kịp thời cấp cứu cho một trường hợp sau tiêm ổn định.
Đến nay, trên địa bàn, tuy dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng chị Hải và những cán bộ, nhân viên chưa bao giờ ngơi tay. Chị bảo: Công tác phòng dịch luôn phải cảnh giác, không được phép lơ là. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, song song với công tác chống dịch Covid-19, họ vẫn âm thầm, miệt mài làm 5 chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết nữa.
Thanh Bình
Nguồn: Gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt" trong phong trào thi đua yêu nước quận Thanh Xuân năm 2021