Gần nửa cuộc đời gắn bó với các hoạt động “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bà Nguyễn Thị Tố Tâm (phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) được bà con lối xóm và những người nghèo khó biết đến với trái tim nhân hậu “không tuổi”. Bà nguyên là Tổ trưởng Tổ dân phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải, Chi hội phó Hội Chữ thập đỏ phường Nhân Chính được bà con yêu mến, tin tưởng, nghe theo.
Bà Nguyễn Thị Tố Tâm trong căn nhà bà đang sinh sống
Dù ở tuổi 83, cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà Tâm vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn và hoạt bát; vẫn đi đến từng góc phố, ngõ hẻm, kêu gọi người dân, những nhà hảo tâm. Bà còn đến các bệnh viện để giúp đỡ những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Từ khi nghỉ hưu đến nay cũng phải ngót nghét hơn 30 năm, bà liên tục tham gia các hoạt động tổ dân phố rồi sau đó tham gia nồi cháo Đoàn kết. Bà bảo, từ khi còn đang công tác tại Nhà máy Dệt kim Hà Nội, bà đã mê làm từ thiện.
Bà vẫn nhớ như in, phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính ngày đó, dân cư chủ yếu là làm nông nghiệp, đất chuyển đổi nhiều nên mọi thứ rất phức tạp. Lúc đó, một mình bà đảm đương rất nhiều công việc như: Tổ trưởng Tổ dân phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải; Chi hội phó Chi hội Chữ thập đỏ rồi tham gia công tác mặt trận, phụ nữ... Với suy nghĩ đơn giản, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng nhưng muốn mọi người vì mình thì trước tiên mình hãy vì mọi người trước, bà luôn sống với mọi người bằng cái tâm, cái đức, được bà con quen mặt, yêu mến. Bởi thế, khi thành lập Tổ dân phố, bà con đề cử bà làm Tổ trưởng.
Bà kể, ngày đó bà vất vả lắm, vì chồng bà sau khi nghỉ hưu lại ốm đau triền miên. Bà vừa đi viện chăm chồng, vừa lo công việc của tổ dân phố. Có nhiều hôm bà mang cả sổ sách vào bệnh viện, vừa chăm chồng, vừa giải quyết công việc của khu phố. Nhưng bà bảo, vẫn may mắn vì chồng bà cũng là người yêu công tác thiện nguyện. “Ngày đó, khi đọc sách báo, thấy có trường hợp nào nghèo khó đăng lên báo, ông ấy lại bảo tôi đến ngay tòa soạn để xin ủng hộ”. Bà Tâm nhớ lại.
Có những kỷ niệm khi bà kể tưởng chừng chỉ mới hôm qua, hôm nay thôi bởi bà nhớ rõ từng chi tiết. Những cuộc hòa giải giữa người vợ, người chồng, con và bố về tranh chấp đất đai rồi về tình cảm riêng tư, họ còn kéo nhau lên tận phường, bà vẫn ôn tồn giải thích và tìm mọi cách hóa giải những mâu thuẫn hàng ngày như thế. Có nhiều vụ kéo dài mất vài ngày mới xong. Những công việc tưởng chừng như không tên mà bà ít khi nhắc đến ấy đều được bà làm trơn tru. Vụ nào có bà Tâm hòa giải là nhà đó “êm ru” , “dĩ hòa vi quý”.
Sau thời gian chống chọi với bệnh tật năm 2013, chồng bà qua đời. Dù buồn lòng nhưng bà vẫn tích cực trong các hoạt động; đồng thời còn tham gia thêm nồi cháo từ thiện. Hơn 8 năm qua, không kể ngày mưa hay nắng, bà thường xuyên đóng góp cùng những tổ chức thiện nguyện tại đình làng Quan Nhân, trực tiếp điều hành chung các hoạt động của Tổ cháo khu dân cư Đoàn Kết, thường xuyên đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ, để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn trong và ngoài địa bàn. Cụ thể, hàng tuần trực tiếp tham gia nấu 100 lít cháo chay và 100 lít cháo thịt tặng bệnh nhân tại 4 bệnh viện cố định (thứ 7 phát tại Bệnh viện Da Liễu Trung uơng, Bệnh viện Nội Tiết, Bệnh viện Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; chủ nhật phát tại Bệnh Viện K Tân Triều. Bà còn ủng hộ thường niên cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại khu dân cư, mỗi tháng 500 nghìn đồng và 10kg gạo; ủng hộ thường niên kinh phí nấu cháo và sinh hoạt đến đội cháo Từ Tế 7.000.000 đồng/tháng, nhóm Bát Cơm Vàng 500.000 đồng/tháng, nhóm cháo Thịnh Quang 500.000 đồng/tháng.
Năm 2021, do diễn biến Covid-19 phức tạp, không đến được bệnh viện, có trường hợp nào khó khăn bà lại ủng hộ bằng tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Tố Tâm (mặc áo dài trắng đứng giữa) tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2018
Mặc dù ở tuổi “xưa nay hiếm”, vậy mà bà vẫn nhớ như in các hoạt động mình đã tham gia. Vừa nói, bà vừa giở từng trang, mở từng cuốn sổ ghi chi tiết các cá nhân, tổ chức ủng hộ một cách cẩn thận như cuốn nhật ký. Bà cho hay, năm 2014, khi mới kêu gọi ủng hộ, tổng kinh phí kêu gọi cũng chỉ lên tới con số 12.200.000 đồng/năm. Còn hiện tại, khi biết đến bà là người gắn với nồi cháo từ thiện thì con số đó đã tăng lên gấp nhiều lần: 84 đến 100 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, bà cũng luôn nhiệt tình tham gia những hoạt động vệ sinh môi trường, bóc xóa biển quảng cáo, rao vặt trái phép, làm vườn hoa, tường hoa để xóa những tụ điểm rác thải lâu ngày, cùng với những hoạt động thiết thực của chị em phụ nữ.
Với bà, những câu chuyện ngày xưa, những kỷ niệm khi kể lại, nhớ lại, giờ vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí. Sâu thẳm trong đôi mắt sáng ấy, là những hoài niệm vui vẻ và đầy tự hào của cuộc đời.
Nhìn khuôn mặc phúc hậu, ánh mắt hiền từ, mái tóc bạc trắng như cước, giọng nói từ tốn, bà Nguyễn Thị Tố Tâm giống như người sinh ra mang “Sứ mệnh làm từ thiện”, ở đâu khó lại có bà. Bà tâm niệm “có nhiều, thì mỗi người được một bát cháo, còn có ít, thì mỗi người một thìa cháo, quan trọng là mang được đến tận nơi cho người khó, làm việc thiện phải xuất phát từ cái tâm”...
Thầm mong có thêm thật nhiều những tâm hồn cao thượng, những con người bình dị, thật thà, chất phác như bà Tâm để mỗi ngày tỉnh dậy, ta thấy cuộc đời này còn có bao điều tuyệt vời biết bao.
Hồng Thiết
Nguồn: thiduakhenthuongvn.org.vn