Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
Trong nắng nóng oi bức xấp xỉ 40 độ C ở Hà Nội, ngồi một chỗ mà mồ hôi vẫn nhỏ tong tong, bà Nguyễn Thị Nhung trò chuyện với nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi. Nghỉ hưu năm 2012, năm 2013 bà Nhung tiếp quản công tác khuyến học trên địa bàn phường Hạ Đình (trước đó không có cán bộ chuyên trách). Hầu như mọi việc bà phải chủ động hoàn toàn nhưng vì “bám địa bàn” từ năm 1978 với cương vị bí thư đoàn xã- cũng là năm bà được kết nạp vào Đảng CSVN- sau đó lần lượt là các vị trí xã đội trưởng, phó trưởng công an xã và đến trước khi nghỉ hưu là chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Khương Hạ nên bà nắm rất rõ tình hình ở địa phương.
Nhận nhiệm vụ năm 2013 thì đến năm 2014 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 281 về xây dựng các mô hình học tập suốt đời tại cộng đồng… Phường Hạ Đình được chọn làm điểm bởi có thành tích xuất sắc, cách làm bài bản. Đến năm 2015 triển khai rộng rãi toàn phường, sau đó triển khai toàn quận vào các năm 2016, 2017, 2018.
Chỉ một chi tiết nhỏ cũng cho thấy sự tâm huyết của bà Nhung với công tác khuyến học. Theo chỉ đạo, hàng năm Hội khuyến học các phường, xã sẽ phải phát các phiếu đăng ký gia đình học tập tới các hộ dân, sau đó đến từng nhà thu lại phiếu này và bảo quản tốt để cuối năm chấm điểm. Với hàng nghìn hộ dân, chỉ riêng việc phát phiếu, thu phiếu cũng mất bao thời gian, chưa kể sẽ tốn kém kinh phí in ấn, photo tờ phiếu này. Nghĩ đến đó, bà Nhung đã lập tức tham mưu với lãnh đạo để thay vì đăng ký theo phiếu, các gia đình sẽ đăng ký trực tiếp vào sổ.
Việc học tập cộng đồng ở phường Hạ Đình cũng đánh dấu một bước chuyển so với trước khi thu hút được đông đảo người dân tham gia vào nhiều lớp học nghề: Làm hoa voan, hoa đá, hoa giấy, tỉa củ quả, thảm len, đan móc len…
|
Bà Nhung đứnghướng dẫnlàm hoa, thảm, đan móc len
|
Bà Nhung trực tiếp đứng lớp dạy nghề làm hoa, thảm, đan móc len... tại trung tâm học tập cộng đồng, thu hút đông đảo người dân tham gia học. Chính từ các lớp học này phường Hạ Đình đã thành công lớn trong công tác dân vận khéo, huy động được toàn dân cùng làm thiện nguyện, làm điều tốt đẹp vì cộng đồng.
Từ các lớp học này đã giải quyết được công ăn việc làm cho trẻ khuyết tật trên địa bàn và tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các học viên, người dân với phong trào khuyến học. Ví như, mỗi khi chuẩn bị có hoạt động thiện nguyện, các học viên trong lớp đan móc len lại phát động trong cộng đồng, cả những người chưa từng tham gia lớp học cũng chung tay đan khăn, mũ, giày… để mang tặng người dân, trẻ em vùng khó khăn ở các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng…
Điều đáng nói là, trong khi đa phần các phường khác phải tốn khoản kinh phí không nhỏ mời giảng viên đến các lớp dạy nghề thì ở phường Hạ Đình, đích thân chủ tịch Hội Khuyến học… đứng lớp. Tôi tò mò hỏi, sao bà có thể “đá nhiều sân” thế khi các lớp học này không mấy liên quan đến nhau, bà Nhung cười rất tươi chia sẻ: “Tôi cứ tự mày mò học rồi dạy cho mọi người, vừa tạo được sự gần gũi, gắn kết với hội viên, vừa tiết kiệm thêm được một khoản tiền cho hội. Quan trọng hơn, chính từ các lớp học này phường Hạ Đình đã thành công lớn trong công tác dân vận khéo, huy động được toàn dân cùng làm thiện nguyện, làm điều tốt đẹp vì cộng đồng- điều trước đây chưa từng có trên địa bàn. Trong 3 năm (2016-2018) bà con đã đan được hơn 8.000 khăn, mũ, tất len trị giá hơn 400 triệu để tới các tỉnh khó khăn, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật.”
“Làm việc tốt, sao phải ngại?”
Hơn 6 năm gắn bó với công tác khuyến học, để hoạt động tốt bà Nhung đã có nhiều sáng kiến vượt khó. “Nguồn kinh phí quá ít ỏi (hội được cấp 10 triệu đồng/năm); có quá nhiều hội, việc phát triển hội viên tương đối khó nên phải nghĩ ra nhiều hoạt động thiết thực để thu hút được mọi người”- bà Nhung chia sẻ.
Ngoài việc vận động được từ 75 đến 78 triệu đồng/năm từ người dân (mỗi nhà nộp 25-30.000 đồng/năm, miễn giảm cho các hộ nghèo, hộ khó khăn), từ năm 2014 bà Nhung còn tham mưu để mở sổ vàng khuyến học, ghi danh những cá nhân hoặc gia đình tâm huyết với sự nghiệp trồng người. “Đây không phải khoản thu bắt buộc nhưng hội vẫn giao chỉ tiêu cho các chi hội vận động, ít nhất mỗi năm cũng vận động được 1-2 suất, 500k/suất/chi hội. Những người ủng hộ đều nhận được thư cảm ơn, giấy ghi nhận tấm lòng vàng từ hội khuyến học.”
Từ sáng kiến sổ vàng ghi danh, hội có thêm một nguồn kinh phí để trang trải cho các hoạt động khuyến học (có năm nhận được 19 triệu đồng, các năm khác dao động từ 7 đến 10 triệu đồng). Ngoài ra, hội cũng vận động một số nhà tài trợ trực tiếp cho các chuyên đề khen thưởng hoặc trợ giúp học sinh nghèo. “Mọi người ngại khi nghĩ là phải đi ‘xin tiền’ nhưng tôi lại quan niệm bằng nhiều cách vận động để có tiền hoạt động, làm những việc ý nghĩa, là việc tốt mà sao phải ngại?”.
Từ số tiền vận động được, hàng năm Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho cộng đồng. Trong đó có Lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi diễn ra vào cuối tháng 7; đầu tháng 10, gặp gỡ, tặng quà các học sinh đỗ đại học…
Bà Nhung trao đổi công việc với Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hạ Đình.
Bà Nhung hào hứng “bật mí”, năm nay lần đầu tiên Hội khuyến học phường Hạ Đình còn tổ chức tuyên dương gương học tập tiêu biểu của người lớn- đây cũng là sáng kiến hay để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân. Đây đều là những người đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn nhiệt tình tham gia học tập tại trung tâm học tập cộng đồng, như bà Hoàng Thị Nga, 78 tuổi vẫn đều đặn đến tham gia tất cả các lớp dạy làm hoa, đan móc len, thảm…; ông Nguyễn Thanh Trì, 84 tuổi, chủ nhiệm câu lạc bộ thơ…- họ là những tấm gương sáng về tinh thần hăng say học tập để thế hệ trẻ soi vào.
Bà Nhung cũng luôn trăn trở với việc các chi hội trưởng khuyến học vất vả, không có một đồng kinh phí hỗ trợ, họ không thể hết lòng với công việc nếu mình suốt ngày đòi hỏi và ra lệnh. “Tôi coi các bác như người thân, không hỗ trợ được về vật chất thì mình động viên về tinh thần. Năm nào hội tổ chức đi từ thiện hoặc tham quan cũng mời các bác cùng đi, xong việc có thể tranh thủ đi tham quan các điểm du lịch gần đó. Những chuyến đi này các bác vẫn phải đóng tiền, hội chỉ hỗ trợ tiền xe hoặc hỗ trợ một phần tiền (cũng phải đi vận động nhà tài trợ) nhưng đi về ai cũng phấn khởi và gắn bó với nhau hơn”- bà Nhung bày tỏ- “Muốn làm gì thì làm, cần động viên được mọi người vì việc chung… Lời nói chân thành thì bao giờ cũng dễ nghe hơn, tôi vẫn thường nói “kính nhờ các bác giúp, chứ không bao giờ nói với tính chất ra lệnh…”.
Được biết, trước khi nghỉ hưu vào năm 2012, bà Nguyễn Thị Nhung có gần 10 năm làm Bí thư Chi bộ phường Hạ Đình và năm nào cũng là chi bộ trong sạch, vững mạnh. Bà chia sẻ, quan trọng là người chủ trì cuộc sinh hoạt chi bộ, nếu không khéo sẽ làm đảng viên phật ý, họ sẽ không bao giờ muốn nói ra ý kiến của mình, bí thư phải biết lắng nghe, biết gợi mở vấn đề để các đảng viên có thể tự tin phát biểu…
Với tinh thần và trách nhiệm của một người đảng viên, dù ở công việc nào bà Nhung cũng muốn làm thật tốt. Trước khi chia tay, bà Nhung còn chia sẻ với tôi về dự định “giải cứu” môi trường: “Tôi đang ấp ủ thực hiện chương trình tái chế rác thải nhựa. Những túi nilon vài trăm năm không tiêu hủy có thể biến thành những bông cẩm chướng sắc màu hay vỏ chai nhựa làm thành bình cắm hoa, hệ thống trồng rau/hoa, tưới cây tự động để có rau sạch ăn hàng ngày; nút chai thì làm thành các con vật cho trẻ em chơi… Tôi nghĩ không cần làm nhiều sản phẩm mà chỉ tập trung làm vài sản phẩm ứng dụng được trong cuộc sống để ai cũng thấy có ích và hào hứng tham gia”.
Phường Hạ Đình (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất phát điểm là một xã thuần nông, hiện có 3.664 hộ dân và 22.300 nhân khẩu.
Nguồn: http://www.hoilhpn.org.vn/
Chi tiết bài viết trong "Gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt" trong phong trào thi đua yêu nước quận Thanh Xuân năm 2021" xem tại file đính kèm.