Búp sen xanh viết về thời thơ ấu và niên thiếu của Hồ Chí Minh trong độ dài khoảng 300 trang khổ sách thông thường, được nhà văn chia làm 3 chương: "Thời thơ ấu", "Thời niên thiếu" và "Tuổi hai mươi". Những biến thiên của lịch sử, của gia đình nội ngoại hai bên và quá trình định hình nhân cách, ra đi tìm đường giải phóng dân tộc của vĩ nhân Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trong khoảng 20 năm, cuộc chia tay trên Bến Nhà Rồng ngày 5 tháng 6 năm 1911 giữa Út Huệ và Nguyễn Tất Thành, được tác giả kể lại bằng những trang văn xúc động.
Trong Búp sen xanh, tác giả cũng đưa người đọc về với làng quê xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Sen quê nội, làng Hoàng Trù quê ngoại của Hồ Chí Minh, với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm. Theo bước chân của Hồ Chí Minh khi còn thơ ấu với tên gọi Nguyễn Sinh Cung , đến khi trở thành một người thanh niên với tên Nguyễn Tất Thành, người đọc lại biết đến kinh thành Huế cổ kính, dòng sông Hương lững lờ, với đình Dương Nổ, trường Pháp-Việt Đông Ba, trường Quốc Học hay Bến Nhà Rồng, với tất cả những phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói mỗi một vùng được thể hiện một cách tự nhiên, chân thật.
Búp sen xanh đã được chuyển ngữ thành dịch phẩm tiếng Anh và được in dưới dạng song ngữ.
Búp sen xanh là một cuốn sách ban đầu dụng ý viết cho thiếu nhi, được trao giải đặc biệt trong cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi, được đưa vào tủ sách vàngcủa Nhà xuất bản Kim Đồng, được tái bản một năm vài ba lần. Tuy nhiên không chỉ thiếu nhi mà cả người lớn thuộc đủ mọi tầng lớp khác nhau từ người dân bình thường đến những trí thức, những nhà khoa học, những nhà cách mạng có tên tuổi, đều đón nhận cuốn sách. Ở hầu khắp các hiệu sách tại Việt Nam, những trung tâm du lịch văn hóa, những khu di tích Bác Hồ bao giờ cũng có sách Búp sen xanh bày bán như một món quà thiêng lưu niệm.
Sách cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ và nhà nghiên cứu. Trong điện ảnh, sách được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng, về sau được sản xuất thành phim truyện với tựa đề Hẹn gặp lại Sài Gòn do nghệ sĩ Long Vân làm đạo diễn.
Nhà nghiên cứu Mịch Quang đưa Búp sen xanh lên sân khấu tuồng với tên gọi Cậu bé làng Sen. Còn Nhạc sĩ Thuận Yến thì có lần nói rằng chính Búp sen xanh đã là nguồn tư liệu và khởi nguồn của cảm hứng để ông viết nên ca khúc nổi tiếng Miền trung nhớ Bác.
Họa sĩ Lê Lam đã chuyển thể tác phẩm thành truyện tranh mang tên Từ làng Sen. Cuốn truyện tranh sau đó được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành với 6 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Lào.
Búp sen xanh cũng được chuyển thể thành văn vần. Hiện nay đã có 7 tác giả chuyển thành truyện thơ với nhiều tên gọi khác nhau. Trong số đó có 4 cuốn đã xuất bản là: Diễn ca Búp sen xanh của tác giả Lê Xuân Hãng; Nhụy vàng hương sen của tác giả Hoàng Trang; Ngó sen của tác giả Đức Thục và Hương sen của tác giả Hồ Nam.
Các bậc phụ huynh có thể mua truyện Búp sen xanh cho con đọc hoặc cho con nghe đọc truyện Búp sen xanh tại đường dẫn dưới đây:
https://www.youtube.com/watch?v=1V9mpQ4NfA8