I. THỰC TRẠNG
Hiện nay, đất nước ta đang cố gắng phấn đấu vươn lên cùng với các nước trên thế giới. Nhiệm vụ của ngành giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội.
Như vậy, để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài góp phần ổn định và phát triển đất nước thì tôi thiết nghĩ trách nhiệm này không chỉ của riêng ai mà trách nhiệm thuộc về Đảng, Nhà nước, Nhà trường, Gia đình và toàn xã hội.
Giáo dục toàn diện cho học sinh là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mọi nhà trường. Nhưng đạo đức, lễ giáo trong mỗi người, đặc biệt là thế hệ học sinh người chủ tương lai của đất nước là vô cùng quan trọng. Bác từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng”.
Tuy nhiên trong thực tế quan sát vẫn còn một số hành vi mà học sinh chưa thể biểu hiện thật tốt về đạo đức trong văn hoá ứng xử học đường, kỹ năng sống và trải nghiệm sáng tạo để học sinh có thể vận dụng và ứng phó tốt với các tình huống căng thẳng xảy ra trong thực tiễn hoạt động và cuộc sống thường ngày.
Vẫn còn một ít học sinh trả lời với người lớn tuổi thiếu dạ, thưa; biết cho mình, ít quan tâm đến người khác; thiếu chào hỏi người lớn tuổi; trong xưng hô; trong bàn ăn; trong ứng xử vẫn còn những thái độ và hành động thiếu đạo đức.
II. NGUYÊN NHÂN
Nhà trường có dạy lồng ghép và dạy chuyên đề về các hành vi đạo đức của học sinh. Phê bình chỉ rõ những hành vi sai trái để học sinh điều chỉnh. Nhưng trong thực tế còn học sinh thể hiện thiếu đạo đức, những nguyên nhân sau đâu ảnh hưởng đến đạo đức học sinh:
Xã hội phát triển ý thức tự giác, chủ động và động lực bên trong để thúc đẩy quá trình tự tu dưỡng của nhiều học sinh được xem nhẹ đã tạo nên một trào lưu làm theo mà không phân biệt tốt-xấu; đúng-sai; có ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức hay không.
Nền tảng kiến thức chưa vững chắc, dễ vấp ngã, sa sút, học sinh dễ bị các phần tử xấu lôi kéo làm những hoạt động thiếu đạo đức.
Sách báo, phim ảnh ngày càng nhiều, một số em tiếp thu không chọn lọc nên đã học tập xuống cấp do đua đòi với các bạn cùng trang lứa, hay trốn học, chơi game,…ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đạo đức.
Các bậc cha mẹ học sinh chưa nhận thức hết được tầm quan trọng và vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách cho con; không quan tâm sự ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách, nếp sinh hoạt hàng ngày, cách cư xử của các thành viên trong gia đình đến việc hình thành nhân cách cho trẻ; thiếu sự nêu gương từ người lớn cũng ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách cho trẻ.
Gia đình còn khoán trắng việc giáo dục toàn diện mà đặc biệt là giáo dục đạo đức của con em mình cho nhà trường, khá nhiều phụ huynh học sinh ít quan tâm đến con em về đạo đức.
Gia đình chưa có biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ khi học sinh, một số gia đình đi làm ăn xa, để con ở lại nhà, hàng tháng chỉ cung cấp tiền. Không quan tâm đến con, không dành thời gian tâm sự với con, ít chịu lắng nghe con nói mà coi việc giáo dục là của nhà trường, không biết con cái cần gì, suy nghĩ gì, chi sài tiền vào đâu. Có sẵn tiền, các em tự do sử dụng không ai quản lý, không ai giáo dục theo hướng tích cực.
Vẫn còn vài phụ huynh có biểu hiện bênh vực con khi nhà trường mời kết hợp giáo dục theo nội quy hoặc khi các em có mâu thuẫn tranh cãi với nhau làm cho nhà trường khó giáo dục các em hơn.
Đa số phụ huynh cung cấp điện thoại thông minh cho các em. Theo thống kê trong trường số học sinh được trang bị điện thoại thông minh không học tốt lên mà học tập và đạo đức ngày càng sa sút, hay tỏ vẻ, thể hiện kiểu ta đây.