Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.
Trên địa bàn thành phố, nhiều trường học ở các cấp học đã ứng dụng STEM vào chương trình giảng dạy qua việc tổ chức các chuyên đề, ngày hội STEM với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Riêng đối với khối tiểu học, STEM giúp học sinh được tiệm cận sớm với giáo dục thời đại mới và phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất. Theo đó, thay vì học theo phương pháp truyền thống, giáo dục STEM sẽ cho học sinh học các môn được tích hợp thành một bài học ứng dụng đa môn. Điểm đặc biệt, giáo cụ trong mỗi bài học thường là các chú robot giáo dục thông minh, khiến trẻ hào hứng và học tập hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Ví dụ như, học sinh được tiếp xúc với lĩnh vực khoa học qua môn Tự nhiên và Xã hội ở lớp 1, 2, 3 và môn Khoa học ở lớp 4, 5. Ở mô hình giảng dạy truyền thống, trẻ sẽ được học những khái niệm, định luật và lý thuyết cơ bản qua sách vở, rất nhàm chán và trừu tượng. Tuy nhiên, khi áp dụng các mô hình STEM, học sinh sẽ được học bằng các công cụ trực quan và được trang bị những kiến thức thực tế để có thể áp dụng ngay. Cách học này biến môn Khoa học trở nên hấp dẫn. Bên cạnh đó, STEM đề cao việc cung cấp những kỹ năng giải quyết tình huống cho người học bằng việc thông qua mỗi bài giảng, học sinh sẽ đưa ra một vấn đề thực tế cần giải quyết thông qua những kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh sẽ phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức các môn học có liên quan qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, đồ công nghệ...
Như vậy, ưu điểm của giáo dục STEM đối với quá trình dạy học và giáo dục học sinh là: Khơi gợi hứng thú trong học tập (học sinh rất hào hứng và tích cực tham gia các hoạt động của bài học STEM); Học sinh có cơ hội bộc lộ và phát triển những năng lực và phẩm chất của mình; Phát huy năng lực sáng tạo, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn; Cung cấp kiến thức đa dạng, nâng cao kỹ năng mềm như: tư duy phản biện, làm việc nhóm, khả năng giao tiếp…
Một số nội dung về giáo dục STEM
Một số lĩnh vực STEM
Để thực hiện thí điểm, Sở GD và ĐT đã chọn một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, tại từng quận huyện để tham gia tập huấn chương trình giáo dục STEM với các khối lớp tham gia. Ngày 26/8/2023, ban giám hiệu cùng các cô giáo khối 3 của trường Tiểu học Nguyễn Tuân đã tích cực tham gia tập huấn của quận Thanh Xuân tổ chức; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại các đơn vị; lựa chọn chủ đề giáo dục STEM (1 chủ đề/1 khối lớp); xây dựng kế hoạch triển khai; triển khai dạy học và đánh giá theo phương thức giáo dục STEM, mô hình không gian sáng tạo hoặc CLB STEM; sinh hoạt chuyên môn trên cơ sở nghiên cứu bài học STEM...
Một số hình ảnh của buổi tập huấn
Ban Giám hiệu và giáo viên khối 3 trường Tiểu học Nguyễn Tuân tham gia tập huấn.
Các cô giáo đều tham gia buổi tập huấn với thái độ nghiêm túc, tập trung và ham học hỏi. Dựa theo hướng dẫn của cán bộ hướng dẫn, tập thể giáo viên khối 3 trường Tiểu học Nguyễn Tuân đã nghiên cứu kĩ tài liệu, tich cực đặt câu hỏi thắc mắc từ đó giải quyết các khó khăn, vướng mắc, rút kinh nghiệm khi thực hiện lên kế hoạch dạy học STEM,… Thông qua buổi tập huấn, tập thể giáo viên đã hiểu rõ hơn và có những hiểu biết sâu sắc hơn về giáo dục STEM, cách xây dựng kế hoạch dạy học, xây dựng hoạt động trong bài học STEM, cách giúp học sinh tiếp cận với phương pháp mới,… Đồng thời, dựa vào buổi tập huấn để có thể lên kế hoạch thực tế theo tình hình của lớp và trường.