1. Trò chơi: Ai đúng? Ai nhanh?
Mục đích chơi:
- Giúp học sinh nắm vững khái niệm cách đọc, viết cấu tạo phân số và so sánh sắp thứ tự phân số.
- Rèn luyện tác phong nhanh nhẹn, trí thông minh sáng tạo.
Đối tượng chơi: Dành cho học sinh trung bình trở lên.
Thời gian chơi: 5 - 7 phút.
Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị 2 con xúc sắc bằng gỗ trên các mặt có ghi các số trong phạm vi từ 1 đến 9. Học sinh chuẩn bị giấy nháp và bút để ghi
Hướng dẫn cách chơi: Chơi theo nhóm, gồm 4 nhóm, mỗi nhóm 3 học sinh, cả 4 nhóm đứng thành hàng đối diện quan sát kết quả thầy giáo tung xúc sắc 3 lần liên tiếp. Các nhóm có thể phân công nhau ghi kết quả từng lần tung. Sau đó có 5 phút để:Viết các phân số sau mỗi lần tung.
VD: Viết PS từ số trên mặt (mặt trên là số 4, mặt dưới là số 5) của xúc sắc: 5; 4;…
- So sánh và sắp thứ tự các phân số sau từng lần tung.
- So sánh và sắp thứ tự các phân số cả nhóm đã viết được.
- GV cùng cả lớp sẽ làm trọng tài kiểm tra 4 nhóm.
Luật chơi:
- Viết đầy đủ các phân số trong các lần tung: 10 bông hoa.
- So sánh và sắp thứ tự từng cặp đúng: 10 bông hoa.
- So sánh sắp thứ tự tất cả các phân số đã viết trong nhóm thì cộng: 20 bông hoa.
(có 1 phần sai hoặc thiếu sẽ không được tính).
- Nhóm nào xong trước và đúng thì được cộng thêm 1 bông hoa.
- Nhóm thắng cuộc là nhóm đạt nhiều bông hoa hơn.
2. Trò chơi: Đội nào vô địch
Mục đích chơi:
- Giúp học sinh nắm vững cách giải bài toán tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó.
- Rèn tác phong nhanh nhẹn, trí thông minh, sáng tạo.
Đối tượng chơi: Dành cho học sinh trung bình trở lên.
Thời gian chơi: 5 phút.
Chuẩn bị: Giáo viên chia lớp thành ba đội, mỗi đội năm em và viết sẵn năm bộ đề toán cho ba đội.
Hướng dẫn cách chơi: Khi giáo viên hô (5 phút bắt đầu) thì mỗi em trong đội bốc thăm đề của mình trong bộ đề của đội và làm các yêu cầu của đề. Em nào làm xong trước thì nộp bài rồi về chỗ ngồi, giáo viên đánh dấu những bài nộp trước thời gian quy định. Hết thời gian giáo viên cùng cả lớp tính số cờ cho từng đội.
Luật chơi:
- Mỗi bài giải đúng được 10 lá cờ.
- Nếu sai một phép tính hoặc một lời giải trừ 2 lá cờ.
- Mỗi bài nộp trước thời gian quy định được cộng thêm một lá cờ.
- Hết thời gian mà bạn nào còn viết tiếp là phạm quy thì không được tính lá cờ.
- Đội nào có tổng lá cờ nhiều hơn thì thắng cuộc.
3. Trò chơi: Những bông hoa học tốt
Mục đích chơi:
- Giúp học sinh nhớ lâu công thức tính chu vi, diện tích của các hình cơ bản trong chương trình.
- Từ đó vận dụng linh hoạt kết hợp với kĩ năng tính nhẩm để tính toán chu vi, diện tích của một số hình.
Đối tượng chơi: Dành cho học sinh trung bình trở lên.
Thời gian chơi: 5 – 7 phút.
Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị một bó hoa đặt ở giữa bục giảng, trên những bông hoa được cắt bằng giấy màu bên trong ghi nội dung các câu hỏi:
Câu 1: Có mấy loại góc, đó là những góc nào? So sánh các góc với góc vuông.
Câu 2: Hình vuông có đặc điểm gì?
Câu 3: Hình chữ nhật có đặc điểm gì?
Câu 4: Nêu đặc điểm giống và khác nhau giữa hình vuông và hình chữ nhật.
Câu 5: Nêu điểm khác giữa tính chu vi và diện tích một hình? Cho VD minh hoạ.
...
Cách chơi: Chơi thi đua giữa các cá nhân. Học sinh xung phong lên hái hoa. Hái hoa xong phải đọc cho cả lớp nghe câu hỏi sau đó mới trả lời. Nếu bạn trả lời chính xác, diễn đạt trôi chảy thì cả lớp vỗ tay thật to và thưởng cho bạn một bông hoa. Nếu bạn trả lời đúng nhưng chưa trôi chảy thì vỗ tay nhưng hơi nhỏ. Nếu bạn trả lời sai cô giáo gợi ý nhưng không trả lời được thì lặc cò cò về chỗ, bạn khác lên thay.
Luật chơi: Giáo viên nhận xét đánh giá và có phần thưởng cho học sinh trả lời xuất sắc.
Nguồn: Sưu tầm