Tại lớp chuyên đề, các giáo viên đã được giải đáp các thắc mắc như:
- Vì sao phải đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông?
- Chương trình GDPT mới có những gì khác chương trình hiện hành?
- Dạy học theo định hướng phát triển năng lực chú trọng đến điều gì?
....
Để thực hiện mục tiêu đổi mới, chương trình GDPT mới vừa kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình GDPT hiện hành, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình này. Những điểm cần khắc phục cũng chính là những khác biệt chủ yếu của chương trình mới so với chương trình hiện hành, cụ thể như sau:
a. Chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
b. Chương trình GDPT mới, phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
c. Chương trình GDPT mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.
d. Chương trình GDPT mới, bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Bên cạnh đó, chương trình mới cũng chú trọng đến mục tiêu đạt được "Học sinh làm được gì?", điều này thể hiện cụ thể trong nội dung chương trình, phương pháp, hình thức giảng dạy, cách kiểm tra đánh giá.
Đồng thời, chương trình được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, đề cao việc dạy học phân hóa, dạy học tích hợp và dạy học thông qua hoạt động.
Cuối buổi học, các giáo viên đã làm bài thu hoạch để đánh giá xét chứng chỉ bồi dưỡng chuyên đề.
Một số hình ảnh trong lớp chuyên đề: